Thông tin được đưa ra tại Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Theo các chuyên gia, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị bệnh nhân lao. Nguyên nhân do giãn cách xã hội làm giảm khả năng đi lại và tiếp cận, dẫn đến hoạt động điều trị cho bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng rất rõ rệt.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới WHO (85%) và của Chương trình chống lao Quốc gia (90%).
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: "Sau Covid-19, số bệnh nhân lao ở thể nặng tăng lên rất nhiều. Lý do cũng dễ hiểu vì năm trước, chúng ta có rất nhiều thời gian phong tỏa, khiến bệnh nhân rất khó tiếp cận điều trị.
Do đó, giai đoạn đầu năm nay, nhiều trường hợp đến khám có tình trạng rất nặng. Thậm chí là lao toàn thể, lao màng não vốn rất ít gặp trước đây nhưng bây giờ tăng lên rõ rệt".
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những thay đổi về tự chủ tài chính tại các tuyến hay việc chuyển đổi thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang bảo hiểm y tế…. nhưng 9 tháng qua, chương trình chống lao đã phát hiện số ca bệnh lao mới ngang bằng thời trước khi dịch bệnh xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện 76.072 ca bệnh. Việt Nam cũng duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh mới và tái phát trên 90%.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc. Việc dự kiến đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi.
Tuy nhiên con số này còn thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch là 139.000 ca bệnh được phát hiện- đây là số liệu cam kết với Quỹ toàn cầu để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Theo báo cáo WHO, Việt nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm nước ta có trung bình 169.000 ca mắc mới lao các thể. Bên cạnh đó, khoảng 12.000 người cũng tử vong vì căn bệnh này mỗi năm.
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Không chỉ là vấn đề sức khỏe, bệnh lao còn ảnh hưởng rất lớn đến các mặt kinh tế, xã hội. Cụ thể, tại Việt Nam, bệnh lao rất phổ biến trong nhóm tuổi 25-54 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi này chiếm đến 70% lao động chính trong xã hội.
26% bệnh nhân lao phải ngừng làm việc hơn 6 tháng, 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ và thu nhập trung bình giảm 25%.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)