Ngày 29/11, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật sơ sinh nơi đây vừa cứu thành công một trường hợp bệnh nhi mang khối bướu lớn hiếm gặp ngay khi vừa sinh ra.
Theo Tiền Phong dẫn thông tin từ gia đình cho biết, lúc thai kỳ được 6 tháng tuổi, người mẹ đi siêu âm theo dõi định kỳ thì được bác sĩ phát hiện trẻ có khối bướu ở vùng cổ bên phải. Khối bướu ngày càng phát triển lớn choán chỗ ở vùng mặt, cổ, ngực.
Ngày 15/11, khi thai nhi được 36,5 tuần tuổi, bác sĩ đã quyết định chấm dứt thai kỳ để ngăn chặn nguy cơ khối bướu của trẻ bị vỡ đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiến hành đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi trước khi cắt dây rốn, rời khỏi bụng mẹ.
Sau khi chào đời với trọng lượng 4kg, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM theo dõi, điều trị. Qua các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán đây là khối bướu bạch huyết xảy ra do dị dạng bạch huyết ở trẻ trong thai kỳ.
Sau 3 ngày theo dõi, tình trạng bệnh nhi có biểu hiện xấu, xuất huyết xảy ra bên trong khiến khối bướu ngày càng phát triển lớn, chèn ép đường thở, đẩy lệch đầu của trẻ sang một bên. Khối bướu dọa vỡ có thể cướp đi sinh mạng của trẻ bất kỳ lúc nào.
Theo Dân Trí, ngày 18/11, bé trai 3 ngày tuổi được tiến hành phẫu thuật giải phóng khối u quái ác. Ekip điều trị phát hiện khối u đã lan vào tất cả các khoang tầng trên ngực, bao bọc tất cả mạch máu lớn, tuyến giáp và khí quản, thực quản.
Các bác sĩ phải hết sức cẩn thận, vì nếu sơ suất, bé có thể tử vong bất cứ lúc nào trên bàn mổ. Sau 4 tiếng căng não, khối bướu khủng được bóc tách thành công. Bệnh nhi mất 100ml máu, cân nặng giảm xuống còn 1.900 gram sau mổ.
Hậu phẫu ngày 10, bé đã có sinh hiệu ổn định, vết mổ khô, không rỉ dịch, qua được giai đoạn nguy hiểm. Hiện tại, bé đã được cho ăn bằng đường miệng trở lại và vẫn đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức sơ sinh.
ThS.BS Đào Trung Hiếu, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, hơn 30 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên ông mới nhìn thấy khối bướu cực khủng, ăn xuống cả sàn miệng và lan đến phổi như trên.
Vì khối bướu quá lớn nên khi lên kế hoạch mổ, các bác sĩ đã xác định không thể bóc tách hết hoàn toàn, mà chỉ làm thế nào để lấy được nhiều nhất có thể. Sau ca phẫu thuật, 90% khối bướu đã được giải phóng khỏi cơ thể bé. Phần bướu còn lại nằm gần vùng phổi, các bác sĩ dự kiến sẽ dùng thuốc để ức chế sự phát triển của bướu.
Dù tình trạng sau mổ thuận lợi, bướu vẫn có một tỷ lệ tái phát nhất định. Ngoài ra vì bướu làm lệch cổ, bé phải tập vật lý trị liệu ngay sau mổ, nếu không sẽ vẹo cổ nặng trong tương lai.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân sản sinh khối bướu trên là do bất thường hệ bạch mạch trong quá trình phát triển của thai. Những khối bướu như thế này là nỗi ám ảnh với bác sĩ Sản khoa, để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực Sản và Nhi.
Bác sĩ khuyến cáo, sản phụ cần tuân thủ khám thai đầy đủ, định kỳ để phát hiện sớm các bất thường, từ đó có kế hoạch can thiệp tốt sau sinh.
PN (Nguoiduatin.vn)