Bé trai 3 tuổi tử vong khi ngã vào xô nước: Cách sơ cứu đuối nước đúng cách, ai cũng nên biết

08/05/2023 14:12:48

Sau 15 phút té vào xô nước, bé trai được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn.

Sáng 8/5, VietNamNet dẫn lời bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết nạn nhân là bé N.T.H (2020) ngụ tại Bến Lức, Long An.

Khai thác từ gia đình ghi nhận, trong đợt nghỉ lễ vừa qua, bé được chị mua cho một chiếc súng nước. Người lớn lấy chiếc xô cao 50cm đựng một ít nước bên trong để bé chơi. Một lúc sau, người thân phát hiện bé ngã chúi đầu vào xô, tím tái, bất động.

Ngay lập tức, trẻ được kéo ra, lau khô, xốc nước, hơ lửa cho ấm. Cha mẹ bị đuổi ra ngoài không cho gần con theo quan niệm dân gian.

Khoảng 15 phút sau, bé được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp bằng 0. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay lên TP.HCM.

Bé trai 3 tuổi tử vong khi ngã vào xô nước: Cách sơ cứu đuối nước đúng cách, ai cũng nên biết
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1

Trẻ nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vào tối ngày 3/5. Trẻ vẫn mê sâu, thang đo hôn mê Glasgow 3 điểm (bình thường 15 điểm), được bóp bóng, thở máy, đồng tử giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, nỗ lực điều trị suốt 3 ngày. Tuy nhiên, trẻ không qua khỏi. 

Bác sĩ Phương cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu.

Trẻ đuối nước ngưng tim ngưng phổi cần được hồi sức tim phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu oxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng. 

Vì vậy, biết cách xử trí cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng.

Cách sơ cứu đúng khi gặp tai nạn ngạt nước, đuối nước

1. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm. Ném phao hoặc vớt nạn nhân lên bằng cách nắm tóc hoặc cổ áo kéo lên bờ, tránh để nạn nhân ôm ghì chặt khiến cả hai đều chìm xuống nước.

2. Sau đó, đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bé trai 3 tuổi tử vong khi ngã vào xô nước: Cách sơ cứu đuối nước đúng cách, ai cũng nên biết - 1

3. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

+ Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại, môi hồng hay có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không. Nếu không, phải tiếp tục các động tác cấp cứu ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Trong trường hợp không thể thổi ngạt, động tác ấn tim 100-120 lần/phút cũng có thể có hiệu quả hồi sinh hô hấp tuần hoàn cho trẻ.

+ Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói.

Bé trai 3 tuổi tử vong khi ngã vào xô nước: Cách sơ cứu đuối nước đúng cách, ai cũng nên biết - 2

4. Sau đó, cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm cho nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô.

5. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục. Nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Sai lầm cần tránh khi cứu người ngạt nước

- Bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước: Động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như nhiều người thường nghĩ. Việc xốc nước có thể làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

- Ấn bụng để nạn nhân nôn ra ngoài: Hành động này khiến thức ăn trong dạ dày đẩy lên trên vào đường mũi, miệng có thể làm tắc đường thở.

- Lăn lu, hơ lửa: Việc này nhằm mục đích “rút nước” trong cơ thể trẻ ra, song phương pháp này không hiệu quả, thậm chí còn gây bỏng cho nạn nhân.

- Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, nạn nhân dễ bị chết tế bào não, dẫn tới tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

Phòng ngạt nước, đuối nước như thế nào?

Ngoài việc sơ cứu kịp thời phòng tránh đuối nước là một giải pháp tối ưu trong việc giảm thiểu hậu quả.

Đối với trẻ em

Không bơi, chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn giám sát.

Những nguyên tắc an toàn khi bơi:

+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn

Bé trai 3 tuổi tử vong khi ngã vào xô nước: Cách sơ cứu đuối nước đúng cách, ai cũng nên biết - 3

+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.

+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.

+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

+ Phải khởi động trước khi xuống nước.

+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

+ Không dùng các phao bơm hơi.

+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

Đối với người lớn

Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

PN (SHTT)