“Buổi tối hôm ấy là ca trực của tôi. Một đứa trẻ được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không còn thấy nhịp tim và nhịp thở. Dù đã cố hết sức cứu chữa nhưng đứa trẻ vẫn không qua khỏi. Tôi đã hy vọng có một phép màu xuất hiện nhưng không có điều gì xảy ra.
Người mẹ nắm chặt lấy bàn tay bé bỏng của bệnh nhi, còn người cha bên cạnh vừa khóc vừa giữ lấy vợ, ngay đến cả những bác sĩ và y tá cũng không kìm được nước mắt.
Sau khi bình tĩnh hơn, tôi đã hỏi chuyện gia đình bệnh nhân. Được biết, cha mẹ của cô bé lúc chiều đưa con đi chơi ngoài công viên. Trẻ con hiếu động thấy hoa đẹp nên vươn tay ra định hái nhưng không ngờ chạm phải ong và bị đốt.
Ông nội của bé gái ngay lập tức bôi kem đánh răng lên vết đốt nhưng không hiệu quả. Vài phút sau, bé gái bắt đầu bị nôn mửa, mí mắt sưng lên, mặt đỏ bừng, cơ thể nổi ban đỏ dày đặc. Gia đình thực sự hoảng sợ nên vội vàng đưa con tới viện.
Tuy nhiên thay vi chọn bệnh viện ở địa phương cách đó chỉ 3 phút, họ lại đưa tới bệnh viện lớn cách đó 30 phút.
Lúc ấy tôi thật sự muốn nói với họ rằng, họ đã phạm phải sai lầm rất lớn. Gia đình đã trì hoãn thời gian tốt nhất để cứu bệnh nhân. Nếu khi ấy, họ đưa con gái tới bệnh viện gần nhất để tiến hành sơ cứu trước khi chuyển tới viện lớn hơn thì có lẽ cô bé đã có cơ hội sống sót. Tuy nhiên tôi không thể mở lời bởi sợ rằng họ sẽ thêm dằn vặt.”
Đoạn nhật ký trên là lời cảnh tình tới các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc sơ cứu đúng lúc và cần bổ sung cho mình những kiến thức sơ cứu cơ bản khi bị côn trùng đốt.
Những biểu hiện dị ứng cho đến sốc phản vệ khi bị ong đốt tuyệt đối đừng chủ quan
Phản ứng dị ứng ngay sau khi ong đốt:
- Vùng bị đốt rất đau buốt, sưng nề, tấy đỏ, phù cứng;
- Vết đốt có thể chuyển từ đỏ bầm sang màu đen;
- Vùng da và mô mềm xung quanh bị phù nề nhanh chóng, nhất là khi bị đốt ở khu vực đầu, mặt, cổ.
Các triệu chứng này sẽ tiến triển nhanh và cũng giảm dần hoặc mất đi hoàn toàn trong vòng 24 - 48h.
Các phản ứng kiểu sốc phản vệ
Sốc phản vệ hết sức nguy hiểm vì vậy mọi người cần đặc biệt lưu ý nếu sau khi bị ong đốt, xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt;
- Khó thở, có thể có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp tức ngực;
- Mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích;
- Nôn mửa, tiêu chảy;
- Rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong.
Bên cạnh hai nhóm triệu chứng trên, nọc ong còn có thể gây tổn thương tế bào tại các cơ quan trong cơ thể như gây tiêu cơ, hoại tử cơ vân cấp. Khi cơ vân bị tổn thương sẽ giải phóng ra chất myoglobin làm tắc ống thận, gây suy thận cấp và tổn thương đa cơ quan.
Các tổn thương này xuất hiện muộn sau 2 - 3 ngày: bệnh nhân thấy mệt mỏi, nôn, ăn uống kém, loạn nhịp tim, vàng mắt, vàng da, tiểu ít hoặc vô niệu, xét nghiệm thấy có suy thận và tổn thương gan cấp.
Cách xử lý khi bị ong đốt
Xử lý tại chỗ
- Rửa chỗ bị đốt bằng xà phòng với nước sach;
- Cố gắng loại bỏ ngòi ong có nọc độc ra khỏi chỗ bị đốt;
- Chườm nước đá hoặc bôi vôi tôi, mật ong hay đắp hành tươi, lát khoai tây vào chỗ bị đốt cũng có thể làm giảm đau đáng kể.
- Có thể bôi kem thuốc có hydrocortisol, thuốc giảm đau có benzocaine để giảm đau, chống viêm tại chỗ.
Xử lý toàn thân
Xử lý ngay các biểu hiện của sốc phản vệ (nếu có) bằng cách cho thở oxy nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở, cho ngay adrenalin và corticoide đường khí dung, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch tùy mức độ nặng,.
Có thể đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu ngay nếu có suy hô hấp nguy kịch do phù nề thanh môn. Cho bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen...).
Theo dõi thật sát tình trạng nạn nhân hoặc nếu bị ong đốt nhiều thì chuyển ngay đến các trung tâm y tế chuyên sâu để theo dõi biến chứng suy tạng (tim, thận, gan) để xử trí cấp cứu kịp thời.
Theo Hoàng Dương (Khampha.vn)