Đó là trường hợp của bé H.X.Y. (9 tuổi, ngụ ở Vĩnh Long). Cách đây khoảng 2 tháng, bé lung lay chiếc răng hàm và được mẹ tự tìm cách nhổ răng.
Lúc đầu mẹ bé dùng tay nhưng không nhổ được, sau đó dùng muỗng bẩy răng ra nhưng vẫn không được và cuối cùng dùng đũa để nhổ răng cho cháu. Tuy nhiên chiếc răng sau khi được nhổ ra đã chui tọt xuống đường thở. Bé Y. bị ho sặc sụa nhưng sau đó bình thường trở lại.
Một tháng sau đó, bé Y. liên tục ho nên mẹ bé đã đưa con đến một phòng mạch tư để khám và được chẩn đoán bị viêm phế quản và cho thuốc về uống. Mỗi lần đi khám, uống thuốc bé lại bớt ho, nhưng chỉ được vài ngày sau lại ho trở lại.
Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trong tình trạng khó thở. Tại đây, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy có nốt màu trắng ở phổi bên phải. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị vật trong phổi. Ngày 9-10, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng TP.
Tại đây, các bác sĩ đã chụp CT định vị dị vật, sau đó nội soi bằng ống nội soi mềm thì thấy dị vật nằm ở góc phế quản, cắm chặt vào niêm mạc đường thở, khó lấy được dị vật ra.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng TP đã mời bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 qua hội chẩn, điều trị. Các bác sĩ đã dùng ống nội soi cứng để gắp dị vật là một chiếc răng hàm ra cho bệnh nhân.
Ngày 21-10, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP, khuyên: khi trẻ thay răng sữa, các bà mẹ nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để được nhổ răng. Còn khi thấy trẻ bị hóc dị vật, trong 24 giờ nếu không thấy dị vật trong phân của trẻ nên đưa trẻ đi khám để tìm dị vật, tránh bỏ quên dị vật như trường hợp trên.
Theo Thùy Dương (Tuổi Trẻ)