Tiktok đang là mạng xã hội được nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, dù xuất hiện chưa lâu tại Việt Nam, tới nay có trên 13 triệu người dùng mạng xã hội này. Độ tuổi sử dụng Tiktok phổ biến nhất tại nước ta là từ 13 đến 24, tuy nhiên thực tế số trẻ dưới 13 tuổi dùng mạng xã hội này khá nhiều.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho thoidaiplus.suckhoedoisong.vn biết, dù nghiện Tiktok chưa được xếp vào bệnh lý tâm thần, tuy nhiên trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ ở lứa tuổi học sinh được gia đình đưa đến vì “quá mê” Tiktok.
TS Thu cho rằng, việc nghiện Tiktok cũng như nghiện chơi game, nghiện Facebook - tức người dùng bị cuốn hút vào thế giới ảo gây hạn chế những kỹ năng khác… Chẳng hạn, người trưởng thành thì bỏ bê công việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để vào mạng, còn học sinh thì lực học giảm sút, không tập trung, giảm chú ý…
“Một vấn đề với những người trẻ bị nghiện internet nói chung và Tiktok nói riêng là ảnh hưởng đến nhận thức, có thể gây hậu quả lâu dài cho tương lai. Trẻ gặp tình trạng này có đặc điểm chung là dáng vẻ lơ ngơ”, TS Hồng Thu nói.
Trên Doanh nghiệp & Tiếp thị, mới đây nhất, TS.BS Trần Thị Hồng Thu tiếp nhận ca bệnh khá đặc biệt: một bé gái mới học lớp 1 ở Hà Nội nghiện xem Tiktok.
Gia đình bé cho biết, do quá trình học online bé được dùng điện thoại nên thường vào xem Tiktok. Bé cũng thường nhờ bố mẹ quay các đoạn video ngắn để đăng lên mạng.
Đặc biệt, bé thường bắt chước theo các clip nổi tiếng, chủ yếu là những bài hát dễ thuộc, câu hát đang thu hút sự chú ý của nhiều người, kèm với đó là một vài động tác phụ họa.
Lúc đầu, thấy con bắt chước người nổi tiếng có nhiều người xem, gia đình cũng rất hứng thú, nghĩ con có năng khiếu nên cứ để cho con vui vẻ. Không ngờ điều này khiến trẻ ngày càng ham lên mạng xã hội, bỏ bê học hành và tự quay video mà không cần nhờ trợ giúp từ bố mẹ.
Tuy nhiên, bé mê quay video với những nội dung vô nghĩa, bắt chước những trò nhảy nhót thái quá, quên cả việc chính là học tập. Khi bị bố mẹ nhắc nhở bé lại tự nhốt mình trong phòng để tự quay video.
Với trường hợp này, bệnh nhi còn nhỏ nên rất cần đồng hành của bố mẹ, phải mất nhiều thời gian hơn. Bố mẹ không được nuông chiều, không mặc kệ con với các thiết bị điện tử.
Bác sĩ Thu hướng dẫn ban đầu phụ huynh không nên cấm con một cách đột ngột, mà cần lấy việc được vào mạng xem làm phần thưởng. Ví dụ, nếu học tập tốt, được điểm cao, hoàn thành bài tốt… thì sẽ được chơi trong một thời gian nhất định. Sau đó, bố mẹ sẽ giảm dần thời gian để kéo trẻ ra khỏi trò chơi trên mạng.
Việc kéo trẻ khỏi trò chơi trên mạng phải làm dần dần theo lộ trình chấm dứt hoàn toàn, chứ không thể mãi coi đó là một phần thưởng thường xuyên.
"Thực chất, việc này cũng giống như cai nghiện game, phải giảm thời gian chơi từ từ, rồi mới chấm dứt hoàn toàn. Bởi nếu không quyết đoán trẻ rất dễ tái "nghiện" và lần sau cai sẽ khó hơn nhiều", bác sĩ Thu tư vấn.
Để trẻ không bị nghiện thiết bị điện tử, internet, phụ huynh phải xây dựng cho con lối sống lành mạnh, tiếp xúc hợp lý với mạng xã hội. Vì trong xã hội hiện đại, việc cấm đoán hoàn toàn dường như là không thể, nhất là trong bối cảnh các con phải dùng mạng để học online.
PN (Nguoiduatin.vn)