Bé gái 8 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm

28/10/2021 06:48:48

Bé gái 8 tuổi, sau khi ăn sáng với mì tôm thì mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, mạch nhanh, phải nhập viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, ngày 27/10 cho biết khi vào viện huyết áp bé không đo được. Bác sĩ xác định bé bị phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, được kíp trực khoa Nhi cấp cứu theo phác đồ phản vệ. 

Bệnh nhi là bé Nguyễn Thuỳ G. (8 tuổi, trú tại Quảng Phương - Quảng Trạch). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được. Trước đó, bệnh nhân có ăn mì tôm trong bữa sáng (chỉ ăn mì tôm không). 

Qua thăm khám, xác định đây là trường hợp phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu nên ngay lập tức, kíp trực khoa Nhi đã tiến hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 giờ, bệnh nhi hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày.

Bé gái 8 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm
Sau 8 giờ, bệnh nhi hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Trung Dũng, Khoa Nhi, mì tôm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng dị ứng thậm chí sốc phản vệ như trường hợp mới đây cũng có khả năng xảy ra, rất may người nhà đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời cũng như tập thể cán bộ BV ĐKKV Bắc Quảng Bình kích hoạt báo động đỏ, phối hợp nhịp nhàng cùng cứu sống bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân khi có biểu hiện trên cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh táo, có thể xử lý tại nhà bằng cách tự gây nôn, uống nhiều nước trước khi đưa đến bệnh viện.

Phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất làm dị ứng (dị ứng nguyên). Khi phản ứng phản vệ, một loạt chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch có thể đẩy cơ thể vào tình trạng gọi là sốc phản vệ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây phản vệ, trong đó thuốc là nguy cơ hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng. Một số trường hợp xác định được nguyên nhân, số khác lại rất khó xác định. Triệu chứng sốc là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)