Lời khuyên nên cẩn thận với tất cả mọi thể loại thực phẩm, dù là xa lạ hay quen thuộc, của bác sĩ dành cho chúng ta thật đúng là không sai tẹo nào. Mới đây, một bé gái 7 tuổi tên Văn Văn ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vừa phải nhập viện cấp cứu vì bị suy đa tạng (hay còn gọi là rối loạn chức năng đa cơ quan) sau bữa ăn tối cùng gia đình. Đáng nói hơn, món ăn mà cô bé dùng trước đó lại vô cùng quen thuộc với bất kỳ ai, đó chính là nấm mộc nhĩ.
Theo lời người thân của Văn Văn kể lại với tờ Apply Daily, cả gia đình đã sử dụng nấm mộc nhĩ được ngâm 2 ngày 2 đêm trong thau nước đặt ngoài ban công, để làm món salad dùng cho bữa tối ngày 27/7 vừa qua. Do là món ăn yêu thích nên Văn Văn ăn nhiều hơn mọi người trong nhà. Sang đến ngày hôm sau, mẹ và 2 chị em Văn Văn đồng loạt gặp phải hàng loạt triệu chứng đau bụng, nôn mửa, buồn nôn và chóng mặt.
Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cả 3 mẹ con được chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm. Tình trạng sức khỏe của Văn Văn là tệ nhất, bé bị suy gan cấp, đồng thời, các cơ quan nội tạng khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bác sĩ nhanh chóng chuyển Văn Văn sang đơn vị chăm sóc đặc biệt và phát hiện cô bé bị nhiễm độc máu gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa có trong nấm mộc nhĩ. Trong suốt 1 tuần từ ngày 31/7, Văn Văn được truyền máu liên tục 4 lần/ ngày để đẩy độc tố ra ngoài. Các bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức để giữ lấy tính mạng của bé gái 7 tuổi nhưng không dám khẳng định khả năng hồi phục là 100% bởi hầu hết các cơ quan nội tạng đều đã bị hủy hoại.
Giải thích thêm về nguyên nhân khiến cả nhà Văn Văn bị ngộ độc thực phẩm, giám đốc bệnh viện nhi Đại học Chiết Giang, ông Diệp Thịnh cho biết là do nấm mộc nhĩ ngâm quá lâu trong điều kiện môi trường không phù hợp. Độ ẩm và nhiệt độ thích hợp đã tạo điều kiện sinh sôi cho vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa và tiết ra độc tố. Ông cũng nói thêm rằng chỉ nên ngâm nấm mộc nhĩ từ 2 - 3 giờ đồng hồ trong môi trường nhiệt độ thấp. Trường hợp mua nấm tươi, phải đảm bảo nấm khô ráo và không bốc mùi kỳ lạ.
Theo Imacho (Helino)