Chia sẻ với bác sĩ Phúc, người mẹ cho biết chị lấy làm lạ khi con gái phát triển tuyến ngực không giống mình lúc nhỏ. "Tôi 16 tuổi ngực phẳng, tại sao con mới 22 tháng tuổi ngực đã như gái 18 tuổi", người mẹ băn khoăn. Người mẹ đã đưa con đi khám ở nhiều nơi, kết luận bình thường song ngực bé ngày càng lớn khiến mẹ không yên tâm.
Theo bác sĩ Phúc, em bé này mắc bệnh phì đại tuyến vú (Gynecomastia). Tuyến vú phát triển sớm ở trẻ nhỏ là tình trạng bất thường, không phổ biến, một số ít là dấu hiệu của dậy thì sớm. Trẻ em chào đời đến khi 2 tuổi chịu ảnh hưởng lượng hormone giới tính nữ estrogen truyền từ mẹ sang con qua đường máu hoặc sữa. Nếu hàm lượng estrogen cao, tuyến vú của trẻ phát triển như thiếu niên dậy thì. Sau thời kỳ bú mẹ, hầu hết trường hợp kích thước của vú giảm dần rồi trở lại bình thường.
Khai thác tiền sử, bác sĩ phát hiện người mẹ uống thuốc tránh thai liên tục kể cả khi vừa đẻ xong và cho con bú. "Có lẽ bé bị ảnh hưởng từ thuốc tránh thai mẹ uống trong quá trình bú sữa mẹ, tăng hormone estrogen trong cơ thể nên tuyến ngực phát triển bất thường", bác sĩ Phúc nhận định.
Thông thường thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao, nên để an toàn bác sĩ đều khuyên phụ nữ dừng uống thuốc 3-6 tháng mới thụ thai. Phụ nữ cho con bú cũng không nên dùng thuốc có nồng độ estrogen cao.
Trẻ gái phì đại tuyến vú sau cai sữa, thường ở 3-4 tuổi, là do dậy thì sớm. Khi xuất hiện các dấu hiệu âm vật to, mọc lông mu, có kinh, nên đưa bé đến bác sĩ sớm. Bệnh nhân cần xét nghiệm định lượng hormone, siêu âm tuyến vú, siêu âm kết hợp với chụp cộng hưởng từ để kiểm tra tử cung buồng trứng, chụp X-quang đánh giá phát triển của xương.
Bác sĩ Phúc cho biết, không chỉ trẻ gái mà trẻ nam cũng có thể bị phì đại tuyến vú. Nguyên nhân từ việc mất cân bằng hai hormone sinh dục nam và nữ là estrogen và testosterone. Khi nam giới có nhiều hormone estrogen thì dễ bị phì đại tuyến vú khiến ngực to như phụ nữ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây chứng phì đại tuyến vú ở trẻ nhỏ là do nhiễm các hợp chất của estrogen trong môi trường. Có nhiều chất hóa học từ bên ngoài môi trường, khi vào cơ thể hoạt động giống như estrogen (còn gọi là Xenoestrogen).
Nhóm dễ bị phì đại tuyến vú
- Ở trẻ nhỏ: Do lượng estrogen từ mẹ truyền sang con vẫn còn nên ngực to trong những tháng năm đầu đời, sau đó sẽ hết.
- Ở tuổi dậy thì: Do mất cân bằng estrogen và testosterone thực sự. Bệnh nếu được phát hiện ở trẻ từ sáu tháng đến hai năm tuổi thì điều trị có thể khỏi hoàn toàn. Nếu điều trị muộn hơn, cần phải phẫu thuật cắt bỏ nhu mô vú.
- Ở người trưởng thành: Thường nguyên nhân do u thùy sau tuyến yên gân tăng nội tiết tố bài tiết sữa prolactin. Biểu hiện là vú to, có thể tiết ra sữa. Khi đó cần xét nghiệm định lượng prolactin để chẩn đoán bệnh. Chụp cộng hưởng từ tuyến yên nếu khối u nhỏ dưới 5 mm, trường hợp không có u thì điều trị bằng thuốc, khối u to phải mổ nội soi.
Theo Lê Nga (VnExpress.net)