Ngày 13-7, Pháp luật TP.HCM dẫn lời một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Kiên Giang xác nhận bệnh nhân T.T. (13 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) tử vong trong chiều 12-7 theo chẩn đoán của bác sĩ là đột tử chưa rõ nguyên nhân.
Thông tin ban đầu, khoảng 14 giờ 30 ngày 12-7, em T được người nhà đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, tím tái toàn thân, mạch bẹn cảnh không bắt được, tim không nghe, phổi lồng ngực mất di động.
Các bác sĩ BVĐK tỉnh đã tiến hành kiểm tra, cấp cứu cho bệnh nhân, như: bóp bóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, mắc monitor theo dõi... nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Báo VietNamNet dẫn lời kể của gia đình, 13h ngày 12/7, bé ăn cua, cá lau kiếng luộc cùng trứng cá nhặt được trong hang. Khoảng 1 tiếng sau, người thân phát hiện bé mê man, sùi bọt mép nên đưa đi cấp cứu.
Ông Thạch Thuận, chú ruột của bé gái cho biết, T. thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo.
"Trứng cá lau kiếng không nằm trong bụng cá mà thường tìm thấy trong hang cá. Trứng có màu vàng, từng chùm. Tôi cùng nhiều người trong xóm đã từng ăn loại trứng này nhưng không bị ngộ độc", ông Thuận chia sẻ.
Cùng ngày, chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Bùi Ngọc Thành, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho hay bệnh viện chưa từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc do cá hay trứng cá lau kiếng. Theo kinh nghiệm thực tiễn, ông ghi nhận trứng cá nóc và mật cá trắm có độc nhưng bệnh nhân không thể diễn tiến tử vong trong vài giờ. "Không loại trừ khả năng bé ăn phải trứng cá bị nhiễm độc từ môi trường bên ngoài", bác sĩ Thành nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp cá lau kiếng (còn gọi cá tỳ bà) là loại ngoại lai xâm hại, sinh sản nhanh, thích nghi mạnh với môi trường. Chúng có tập tính ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác khiến chuỗi thức ăn bị đảo lộn, gây mất cân bằng sinh thái.
Cá lau kính thuộc giống Hypostomus (họ Loricariidae). Giống này gồm khoảng 116 loài, có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ từ Panama đến Uruguay, phần lớn tập trung ở lưu vực sông Amazon.
PN (SHTT)