Bé 5 tuổi tử vong ở TP.HCM nghi mắc tay chân miệng

01/06/2023 13:44:07

Theo bác sĩ tại bệnh viện, từ chẩn đoán lâm sàng cho thấy cháu bé 5 tuổi tử vong nghi ngờ mắc tay chân miệng.

Trưa 1/6, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) xác nhận với Dân trí, nơi đây vừa có một bệnh nhi tử vong, nghi do mắc tay chân miệng.

Bệnh nhi là một cháu bé 5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang. Khai thác bệnh sử, trước đó bé đã có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, được đưa vào một bệnh viện ở tỉnh Tiền Giang, sau đó chuyển lên tuyến trên vì biến chứng nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4. Dù ekip điều trị cố gắng hết sức, bệnh nhi đã tử vong vào đêm 31/5. Ngay sau đó, phía Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của cháu bé gửi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để tiến hành xét nghiệm PCR, khẳng định chẩn đoán ban đầu. Kết quả xét nghiệm dự kiến sẽ có trong ít ngày tới.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, đây là ca tử vong đầu tiên nghi ngờ vì tay chân miệng vào điều trị tại nơi này trong năm 2023. Tuy nhiên những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, dù mới đầu mùa bệnh. Do đó, dự báo tình hình dịch năm nay sẽ rất phức tạp.

Bé 5 tuổi tử vong ở TP.HCM nghi mắc tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Ảnh minh họa: Internet

Theo ghi nhận của VTC News, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có tổng cộng hơn 40 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú. Số lượng chưa quá cao nhưng tỷ lệ nặng lại tăng, chiếm khoảng 30%. Thuốc phenobarbital truyền tĩnh mạch cho trẻ mắc tay chân miệng độ 3 và 4 đang thiếu, phải dùng thuốc khác thay thế.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột. Các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh bao gồm sốt, loét miệng, xuất hiện hồng ban mụn nước thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.

Bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não cũng như các biến chứng khác về tim mạch, hô hấp. Trẻ gặp biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Sở Y tế lưu ý phụ huynh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, tuân thủ lịch tái khám.

Cha mẹ cần đưa con đi viện nếu phát hiện con có một trong những triệu chứng sau:

- Sốt cao ≥ 39C hay sốt hơn 2 ngày

- Nôn nhiều, hơn 3 lần trong 1 giờ hay hơn 4 lần trong 6 giờ

- Khó thở, thở nhanh, rút lõm bụng, tím quanh môi, kích thích hoặc lờ đờ

- Giật mình nhiều khi ngủ

- Quấy khóc nhiều, bứt rứt khó ngủ hoặc mệt, li bì.

- Vã mồ hôi, tay chân lạnh hay da nổi vân tím

- Tiểu ít

- Run chân tay hay yếu liệt chi

- Nếu trẻ có tiền sử giật, cần uống hạ sốt khi 38C và chườm ấm

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều cha mẹ mắc sai lầm trong việc chăm sóc trẻ như tự bôi thuốc hoặc đắp lá cây cho trẻ; ủ trẻ và hạn chế tắm rửa để con ra ban nhanh hơn. Những điều này là không đúng và vô cùng nguy hiểm, vì có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Bé 5 tuổi tử vong ở TP.HCM nghi mắc tay chân miệng - 1
Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ cần làm gì để chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách?

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và các điều trị hỗ trợ. Thông thường bệnh diễn biến trong vòng 1 tuần đến 10 ngày thì các triệu chứng sẽ hết.

Trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng.

- Thực hiện cách ly khi trẻ mắc bệnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho trẻ khác bởi bệnh có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên từ lúc phát bệnh.

- Vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ trước khi cho trẻ ăn 30 phút.

- Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm.

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu hoá như cháo, súp, sữa, chia thành nhiều lần trong ngày. Tránh các thức ăn chua, hoa quả chua vì sẽ gây kích ứng vết thương trong miệng.

- Để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ nhanh hồi phục sau khi nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A, C như: thịt, trứng, sữa, cá, tôm…; các loại rau có màu xanh sẫm; các loại củ quả có màu vàng đỏ… trong các bữa ăn của trẻ.

- Đặc biệt nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt gà, lòng đỏ trứng... vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục.

- Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Ngoài ra có thể chườm ấm cho trẻ cũng góp phần giảm thân nhiệt và giảm số lần dùng thuốc hạ sốt.

- Theo dõi nếu trẻ có các biểu hiện như: Sốt cao trên 39 độ, hạ sốt không giảm, trẻ li bì, giật mình, run tay chân, yếu liệt chi, tím tái… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.

- Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

PN (SHTT)

Nổi bật