Bé 3 tuổi tử vong vì chất cực độc trong củ sắn: Chuyên gia bày cách loại bỏ chất độc

16/01/2021 06:50:00

Thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải sắn cao sản có chứa độc tố tự nhiên khiến bé 3 tuổi tử vong.

Vụ việc xảy ra tại thôn Tổng Kim, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, hậu quả làm một trẻ em 2 tuổi phải nhập viện điều trị và một trẻ 3 tuổi tử vong trên đường đến bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm của của Viện Kiểm nghiệm Quốc gia cho thấy, hàm lượng Xyanua có trong mẫu sắn cao sản nói trên là 22mg/100g.

Xyanua được đánh giá là một trong những chất độc nhất trên thế giới. Xyanua được giải phóng từ các chất tự nhiên trong một số thực phẩm và thực vật như sắn, đậu lima và hạnh nhân. Hoặc chất này có trong hạt của các loại trái cây phổ biến, chẳng hạn như quả mơ, táo và đào.

Ngoài ra, xyanua có trong khói thuốc lá. Trong sản xuất, xyanua được sử dụng để sản xuất giấy, dệt may và nhựa. Khí xyanua còn được sử dụng để tiêu diệt sâu bệnh và sâu bọ.

Bé 3 tuổi tử vong vì chất cực độc trong củ sắn: Chuyên gia bày cách loại bỏ chất độc
Ảnh minh hoạ.

Khi vào cơ thể, nó làm tế bào không hấp thụ được oxy, gây ngạt tế bào, khiến bệnh nhân khó thở, suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Viện trưởng Viện Y học bản địa trong cây sắn có chứa chất linamirin và chất nó có nhóm xyanua thuộc hợp chất O-glycozit, khi hấp thụ vào cơ thể nó sinh ra axit xyanhidric, chất này gây say, nôn mửa, có khi dẫn tới tử vong nếu hàm lượng quá cao.

Mặt khác, hàm lượng axit xyanhidric cao trong khẩu phần thức ăn của người miền núi đã làm vô hiệu hoá i ốt làm gia tăng tình trạng thiếu i ốt trong cơ thể gây nên bệnh bướu cổ.

Bác sĩ Sầm cho biết, Viện Y học bản địa đã có nghiên cứu chất xyanua trong sắn. Đặc biệt trong sắn dù thấy hàm lượng Xyanua cao nhất gấp 2,6 lần ở sắn trắng và gấp 2,9 lần trong sắn đỏ.

Trong vỏ sắn hàm lượng xyanua cao nhất do đó khi ăn sắn không được dùng cả vỏ. Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, hàm lượng xyanua có thể gây chết người qua đường tiêu hoá là 0,5 – 3,5 mg/kg trọng lượng cơ thể nếu ăn khoảng 1,1 kg sắn dù tươi, 1,8 kg sắn trắng tươi, hay 3,2 kg sắn đỏ tươi sẽ bị ngộ độc.

Nên khi ăn sắn tươi hay bị say. Vì thế, sắn phải chế biến luộc chín hoặc sắn lát khô, sắn bột khô. Trong sắn chín, sắn bột khô, sắn thái lát phơi khô hàm lượng axit Xyahidric đã giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, theo bác sĩ Sầm, cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Ngoài ra, trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Biểu hiện ngộ độc xyanua, người bệnh có cảm giác chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và ói mửa, thở nhanh, nhịp tim nhanh, bồn chồn. Nếu tiếp xúc với lượng lớn xyanua có thể gây mất ý thức, co giật, suy hô hấp, chấn thương phổi, nhịp tim nhanh, nếu không được cấp cứu có thể tử vong.

Thói quen sử dụng lá sắn muối, bác sĩ Sầm cho biết lá sắn cũng chứa hàm lượng xyanua cao nên trâu bò ăn lá sắn tươi có thể chết. Vì vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng lá sắn tươi làm thực phẩm.

Việc sử dụng lá sắn muối chua làm thực phẩm, bác sĩ sầm cho biết lá sắn muối chua trong môi trường axit thì hàm lượng xyanua đã được phân huỷ nhiều nên không còn gây ngộ độc.

Theo Ngọc Anh (Doanh nghiệp và Tiếp thị)