Bé 18 tháng tuổi nguy kịch vì tiêu chảy, BS cảnh báo những sai lầm của bố mẹ khiến bệnh thêm nặng

09/11/2022 16:04:14

Trước tình hình nhiều trẻ tiêu chảy cấp phải nhập viện, bác sĩ nhi khoa chỉ ra những sai lầm cha mẹ thường mắc khiến bệnh trẻ thêm nặng.

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận một bệnh nhi 18 tháng tuổi, ở huyện Sông Lô vào nhập viện vì tiêu chảy nhiều lần. Khi trẻ vào viện đã li bì, tím tái, thở ngáp, sốc giảm thể tích.

Trước đó, gia đình phát hiện trẻ tiêu chảy có cho uống bù nước, men tiêu hóa nhưng không đáp ứng. Sau khi nhập viện, bệnh nhi được hồi sức chống sốc, làm các xét nghiệm lâm sàng, kết quả cho thấy có tình trạng nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Sau 10 ngày nhập viện và được các bác sĩ tích cực điều trị, trẻ đã ổn định và được xuất viện.

Bé 18 tháng tuổi nguy kịch vì tiêu chảy, BS cảnh báo những sai lầm của bố mẹ khiến bệnh thêm nặng
Ảnh minh họa: Internet

Mắc những sai lầm này, cha mẹ khiến trẻ bệnh thêm nặng

Theo báo Giao thông dẫn lời BS. Nguyễn Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, BV 103, cho biết hiện khá nhiều trẻ mắc tiêu chảy cấp và nôn nhiều đến khám và điều trị.

 

Tuy nhiên, nhiều trẻ bệnh trở nặng vì những sai lầm trong cách chăm sóc con của các bậc phụ huynh. Cụ thể, nhiều mẹ tự đi mua kháng sinh về cho con uống khi chưa rõ căn nguyên, trong khi chủ yếu tiêu chảy ở trẻ có căn nguyên virus và độc tố vi khuẩn. Nhiều mẹ cho uống Augmentin khiến bé lại càng đi ngoài nhiều hơn.

Hoặc cha mẹ  cho con uống thuốc cầm đi ngoài hoặc cầm nôn, điều này làm giảm đào thải tác nhân và độc tố

Không ít trẻ được cha mẹ cho ăn uống kiêng khem trong quá trình tiêu chảy, điều này làm con suy dinh dưỡng. Cần lưu ý, giai đoạn đầu bù nước Oresol là quan trọng, sau đó cho con ăn loãng, chia nhiều bữa nhỏ

BS. Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tự mua dịch về truyền tại nhà cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, việc cha mẹ cho con uống nước ngọt, sẽ càng khiến trẻ đi ngoài và mất nước nhanh hơn…

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ tiêu chảy do nhiều nguyên nhân, vì thế tốt nhất nên cho trẻ đi khám, làm các xét nghiệm, biết chính xác nguyên nhân thì điều trị mới mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thực tế, khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều gia đình thường áp dụng những bài thuốc truyền miệng như cho con uống nước hồng xiêm xanh, nhai búp ổi... Một số bố mẹ vội cho trẻ dùng kháng sinh hoặc bù nước bằng oresol nhưng không đúng cách, khiến tình trạng trẻ ngày càng nặng.

“Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu từng cấp cứu cho 3 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bố mẹ dùng bù nước điện giải sai cách. Cụ thể, cả 3 trẻ khi nhập viện đều được chẩn đoán sốt cao, mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc và co giật. Một điểm chung là 3 bệnh nhi trước khi vào viện đều được phụ huynh bù nước bằng thực phẩm chức năng dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol”, PGS Dũng dẫn chứng.

Bé 18 tháng tuổi nguy kịch vì tiêu chảy, BS cảnh báo những sai lầm của bố mẹ khiến bệnh thêm nặng - 1
Rất nhiều chai thực phẩm chức chức năng có tên oresol được bày bán nhưng không có tác dụng bù nước điện giải như thuốc oresol. Ảnh minh họa: Internet

Theo PGS Dũng, hiện rất nhiều chai oresol dạng thực phẩm chức năng được bày bán, tuy nhiên khi sử dụng sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước khi trẻ bị tiêu chảy, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. “Ngay cả với thuốc oresol khi dùng cũng phải cách, đúng liều lượng, đúng nồng độ thì mới có tác dụng bù nước”, bác sĩ Dũng nói.

Cần làm gì khi con tiêu chảy nhiều?

BS. Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nên bổ sung Oresol thẩm thấu thấp (bản chất giống Oresol thường nhưng nồng độ các chất thấp hơn) cho trẻ bị tiêu chảy, nôn nhiều.

Bên cạnh đó, cần bù Kẽm cho trẻ, giúp nhanh hồi phục tế bào niêm mạc ruột; Cần lưu ý với trẻ dưới 6 tháng, bù 10mg kẽm nguyên tố/ ngày trong 10-14 ngày; Trẻ lớn 20mg/ ngày x 10-14 ngày

Dùng thêm Probiotics (men vi sinh), giúp tăng sức đề kháng hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột. Dùng trong 3 ngày đầu không tác dụng thì dừng.

Uống thuốc Racecadotril, giúp giảm nước ở phân, dùng 3 ngày đầu, ưu tiên tiêu chảy xuất tiết nhiều liều 1,5 mg/kg/8 giờ. Riêng chống nôn cần tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Bé 18 tháng tuổi nguy kịch vì tiêu chảy, BS cảnh báo những sai lầm của bố mẹ khiến bệnh thêm nặng - 2
Ảnh minh họa: Internet

Các sai lầm hay gặp khi cha mẹ cho trẻ uống Oresol

BS. Lê Thị Lan Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa BV Bạch Mai, cho biết, khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng. Oresol với thành phần là Na, K,Cl... khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước và điện giải đã mất, giúp trẻ phục hồi.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS. Cường, nhiều gia đình sử dụng không đúng, ảnh hướng tới điều trị cho trẻ.

Điển hình như việc pha Oresol quá đặc sẽ gây hại cho trẻ thậm chí gây co giật do rối loạn điện giải; Pha quá loãng, mất tác dụng và cũng không có lợi; Pha với sữa, Oresol hiệu quả bởi vì tỷ lệ các Ion theo 1 tỷ lệ nhất định, nếu mà pha với sữa thì sẽ làm mất đi giá trị quan trọng nhất; Cho thuốc viên hoặc bột tan trong Oresol; Cho bé uống nước ngọt nước có gas sẽ khiến trẻ tăng mất nước; Hoặc cho trẻ uống nước dừa các nước trái cây… các loại này không thay thế được Oresol.

BS. Cường lưu ý, trẻ < 2 tuổi, uống mỗi lần 50 – 100 ml Oresol sau mỗi lần tiêu chảy; Trẻ 2 – 10 tuổi, uống mỗi lần 100 – 200 ml sau mỗi lần tiêu chảy; Trẻ 10 tuổi, uống theo nhu cầu của trẻ.

Mẹ cần cho trẻ uống từng ngụm nhỏ khoảng 5ml/lần, vì trẻ đang bệnh, rất dễ nôn. Nếu trẻ nôn, cho trẻ nghỉ khoảng 10 phút và tiếp tục cho uống lại với từng ngụm ít hơn.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật