BN1348 (14 tháng tuổi) có địa chỉ tại Quận 6, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 30/11/2020 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (nơi bệnh nhi 14 tháng đang điều trị) cho biết: Theo lời kể từ bố mẹ bệnh nhi, sáng ngày 22/11 bố bé đưa bé đi thăm thầy cô cũ tại đường số 3, p. Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM.
Bé đã được thầy giáo tiếng Anh (là BN1347) bế lên ôm hôn, nựng má. Ai ngờ đâu, chỉ hơn 1 tuần sau, bé đã thành nạn nhân tiếp theo của đại dịch Covid-19.
Nghe gia đình kể lại, các bác sĩ Khoa Nhiễm, Bệnh Viện Nhi đồng TP.HCM thật bất ngờ trước những chuyện không ai muốn.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng một lần nữa cảnh báo các phụ huynh vì những động tác ôm hôn không cần thiết ở trẻ nhỏ.
Theo BS Đỗ Tiến Sơn, việc ôm hôn trẻ nhỏ tạo ra hơn chục tác nhân nguy hiểm rình rập cho trẻ, trong đó có cả Covid-19. Trẻ nhỏ luôn đáng yêu, thơm mùi sữa - những điều "ngọt ngào" chính là thứ để các ông bố bà mẹ, ông bà nội ngoại quên vất vả khi chăm bé. Tuy nhiên, việc hôn, nựng trẻ lại nguy hiểm bởi vì trong khoang miệng, mũi của người lớn nhiều vi khuẩn, vi rút.
Sau đây là danh sách 10 loại tác nhân đáng sợ lây qua từ nụ hôn:
1. Treponema pallidum: gây bệnh Giang mai
2. Neisseria meningitidis: gây viêm não màng não
3. Herpes simplex virus type 1 (HSV-1): gây loét miệng, viêm lợi, viêm não do HSV
4. Cytomegalovirus (CMV): nhiễm mạn tính, cả đời có nguy cơ bệnh gan, não
5. Coxsackie A16: gây bệnh Tay chân miệng
6. Group A streptococcus: gây các bệnh lý hô hấp
7. Virus RSV (hợp bào hô hấp): gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh, viêm tiểu phế quản
8. Ho gà: gây bệnh ho gà, viêm phổi do ho gà đặc biệt nặng ở trẻ sơ sinh chưa tiêm phòng
9. Helicobacter pylori (HP): yếu tố gây viêm loét dạ dày
10. Ngoài ra, trong 1 nụ hôn, còn "khuyến mại" thêm các thứ sau: Nguy cơ dị ứng (son môi, cặn thức ăn, bụi), phơi nhiễm hóa chất (son môi, mĩ phẩm), sâu răng (truyền Streptococcus mutans trong nước bọt), nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch, khói thuốc (thuốc lá, lào, cần cỏ, vape)
Vì vậy, người lớn cần tuân thủ các phương pháp vệ sinh khi thăm trẻ con, không hôn, thơm má trẻ nhỏ nhà người khác. Cần vệ sinh cá nhân thật tốt như rửa tay, tắm, đánh răng xúc miệng, rửa mũi họng thường xuyên.
Vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ, luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn nhanh trước khi bế con. Tắm bé đều đặn với phương pháp phù hợp. Tuyên truyền, cảnh báo người thân, bạn bè. Xếp riêng đồ vệ sinh mặt mũi miệng của con, không chung đồ người lớn.
Không cho tiếp xúc với người đang có biểu hiện ho, hắt hơi, chảy mũi, tiêu chảy và các bệnh lý cấp tính. Người lớn đã ốm thì không chơi với trẻ con.
Không hút thuốc lá. Nếu hút thuốc, phải hút ngoài nhà, sau khi hút phải thay quần áo, tắm, xúc miệng, đánh răng rồi mới bế con.
Theo N.Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)