TS. BS Lê Thanh Dũng – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ vừa can thiệp mạch cấp cứu thành công bệnh nhi 11 tuổi bị viêm tụy cấp. Khi nhập viện, bệnh nhi này ở trong tình trạng nôn ra máu nhiều lần không tự cầm.
Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện ổ giả phình lớn động mạch vị tá tràng (có chức năng cung cấp máu cho tá tràng – tụy và dạ dày).
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nặng, nguy cơ chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh nhi đã được can thiệp cấp cứu ngay sau đó. Sau 20 phút can thiệp với 5 coils ổ giả phình đã được loại bỏ hoàn toàn.
Bệnh nhi hết nôn máu, huyết động ổn, sau đó được chuyển về khoa Nhi tiếp tục điều trị tình trạng viêm tụy cấp.
TS Lê Thanh Dũng cho biết, viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do sự hoạt hóa men tụy ồ ạt ngay trong nhu mô tụy. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ nặng – nhẹ khác nhau tùy thể lâm sàng. Bệnh có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm trong đó có tổn thương mạch máu dẫn đến ổ giả phình động mạch.
Thông thường bệnh viêm tụy cấp hay gặp ở người lớn do các nguyên nhân nghiện rượu, chế độ ăn uống… Với trẻ nhỏ bệnh ít gặp hơn, chính vì thế nó luôn tiềm sự nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm tụy cấp ở trẻ nhỏ thường là do di truyền, rối loạn chuyển hóa và siêu vi. Ngoài ra, chấn thương vùng bụng, sỏi mật cũng có thể gây viêm tụy.
Nếu viêm tụy ở thể cấp tính, bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Khi viêm tụy cấp tính, trẻ sẽ đau bụng và ói dữ dội (có thể sốt). Triệu chứng đau bụng, ói xảy ra đồng thời.
Những cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần. Nếu đau xuất hiện đột ngột, đó là một dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp nặng. Nếu diễn tiến từ từ, bệnh có thể khởi đầu nhẹ.
Đau bụng khi viêm tụy cấp thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái, có thể lan ra sau lưng; đau thường kéo dài trong vài ngày; cơn đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn và tăng lên khi nằm ngửa.
Bên cạnh triệu chứng đau, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng khác như: Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn), sốt, ớn lạnh, hoặc cả hai, người mệt mỏi, bụng chướng và nhạy cảm khi chạm. Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội).
Trong những trường hợp nặng có nhiễm trùng hoặc chảy máu, bệnh nhân có thể bị mất nước và huyết áp thấp với những triệu chứng sau: Yếu hoặc cảm thấy mệt, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê, dễ bị kích thích, bồn chồn hoặc khó tập trung, đau đầu..
Do các biểu hiện của viêm tụy cấp dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác, vì thế các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các triệu chứng như trên thì nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)