Cháu bé mới 10 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng
TS Phạm Văn Bình cho biết, các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho cháu bé. Người nhà bệnh nhân cho biết cháu là con đầu trong gia đình. Cháu nhập viện trong tình trạng đau bụng do tắc ruột. Kết quả chụp CT và các xét nghiệm phát hiện, có một khối u ở đại tràng sigma. Khi làm sinh thiết mô bệnh học thì đây là một dạng ung thư biểu mô tuyến đại tràng sigma.
Các bác sĩ đã mổ cho cháu bé để cắt khối u tại khu vực đại tràng sigma. Đánh giá sau mổ đây là trường hợp khối u đã lớn lên tới 6cm đã xâm lấn thành đại tràng. Trường hợp cháu bé được đánh giá T4B. Sau mổ tình trạng cháu ổn định tốt.
TS Bình và các bác sĩ đã đặt ra câu hỏi là, tại sao cháu bé mới chỉ 10 tuổi 6 tháng đã bị bệnh ung thư đại trực tràng? Tình trạng như này là rất hiếm. Các bác sĩ đã phải sàng lọc các yếu tố nguy cơ gây bệnh thì trong gia đình cháu bé không có ai bị ung thư đại trực tràng trước đó, cháu còn nhỏ chưa thuốc lá, rượu bia.
Tổn thương do bệnh là đặc trưng của ung thư đại trực tràng biểu mô tuyến nên TS Bình cho biết, các bước tiếp theo các bác sĩ sẽ tiến hành bước xét nghiệm giải trình tự gen xem có đột biến gen không để có hướng điều trị cho cháu bé.
Ung thư đại trực tràng ở trẻ em rất thấp, chỉ chiếm 1 – 2 % nên các bác sĩ nhận định trường hợp cháu bé này phải thực hiện các xét nghiệm giải trình tự gen. TS Bình cho rằng, trong tương lai các bác sĩ sẽ nghiên cứu sâu về ung thư đại trực tràng ở trẻ em nói riêng và ung thư tiêu hóa nói chung.
Số ca mắc bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa
TS Bình nhận định, ung thư đại trực tràng là ung thư tiêu hoá thường gặp. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1 triệu ca ung thư đại trực tràng mới mắc, chiếm khoảng 10 % trong tổng số các bệnh ung thư và con số tử vong chiếm 8,5 % tổng số bệnh nhân chết vì ung thư
Tại Mỹ ước tính năm 2018 dự báo có khoảng 97 nghìn ca mắc ung thư đại tràng mới mắc và 45 nghìn ca ung thư đại tràng. Con số tỷ lệ tử vong trên 50 nghìn ca năm 2018.
Tại Việt Nam, TS Bình cho biết theo thống kê từ năm 2010 tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng gia tăng từng năm.
Để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, TS Bình nhấn mạnh mọi người phải phòng bệnh trước bởi trong các bệnh lý của ung thư đại trực tràng đều có các yếu tố nguy cơ. Những người nằm trong các yếu tố nguy cơ này đều có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, một số trường hợp không có yếu tố nguy cơ nào vẫn mắc ung thư đại trực tràng.
TS Bình chỉ ra các yếu tố dẫn tới ung thư đại trực tràng như sau:
- Yếu tố thứ nhất tuổi tác: Những người trên 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc cao hơn người 40 tuổi, bệnh nhân tuổi 70 -80 tuổi chiếm số cao hơn. Tuy nhiên những năm gần đây thì tỷ lệ này ngày càng trẻ hoá và đã ghi nhận đến trẻ 10 tuổi bị ung thư đại trực tràng.
- Yếu tố thứ hai: chế độ ăn nhiều thịt, nhiều dưa muối, ít rau củ quả dễ mắc ung thư đại trực tràng.
- Yếu tố thứ ba: Những người béo phì, lười vận động dễ bị ung thư đại trực tràng hơn.
- Yếu tố thứ tư là viêm đại trực tràng mãn tính. Bệnh này ít gặp ở Việt Nam hơn ở nước ngoài nhưng nó vẫn là yếu tố gây nên ung thư đại trực tràng.
- Yếu tố thứ năm là rượu bia và thuốc lá. Những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn những bệnh khác. Ngoài ra, rượu và thuốc lá vẫn là yếu tố của nhiều bệnh ung thư khác, như ung thư phổi, ung thư bàng quang…
Ngoài ra, TS Bình cho biết thêm Bệnh viện K trung ương là nơi tuyến cuối nên các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng khi còn rất trẻ, có những bệnh nhân 16 – 20 tuổi đã bị bệnh này.
Dựa trên các yếu tố nguy cơ, TS Bình khuyến cáo mọi người nên đi nội soi đại trực tràng ống mềm để đánh giá khung đại trực tràng. Ngoài ra, khi có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa từ 1 tuần – 10 ngày nên đi nội soi. Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng chính là chìa khóa vàng để điều trị thành công.
Theo Ngọc Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)