Ung thư ruột là việc gia tăng không kiểm soát của tế bào trong đường ruột. Nó thường được hình thành từ một polyp đường ruột. Nếu không được phát hiện kịp thời, polyp này có thể phát triển, tăng kích thước, gây tổn thương lớp niêm mạc và lớp mô xung quanh, dẫn đến nhiễm trùng máu hoặc chuyển sang giai đoạn ung thư.
Trên trang QQ chia sẻ trường hợp một người đàn ông Trung Quốc mang họ Lý 53 tuổi (giấu danh tính) bị đau quặn bụng vào lúc nửa đêm được gia đình đưa tới bệnh viện khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện một khối u trong đường ruột của ông Lý, các bác sĩ đã kết luận rằng khối u của ông Lý đã di căn vào giai đoạn cuối.
Đối mặt với kết quả này, ông Lý không thể chấp nhận hiện thực vì cho rằng mình mới chỉ 53 tuổi, độ tuổi quá trẻ để đối diện với "án tử" của căn bệnh ung thư.
Được biết, ông Lý làm nghề lái taxi gia đình, thời gian lái xe cũng không cố định. Vì muốn kiếm tiền nên ông Lý không tìm người thay ca và đều tự mình lái xe. Hơn 20 năm làm nghề lái taxi, ông Lý ăn uống không đúng giờ, thời gian vận động cũng ít. Ông đã mắc phải các bệnh nghề nghiệp như thoái hoá đốt sống cổ và thắt lưng, bệnh đường tiêu hoá, bệnh trĩ.
Trong nửa năm trở lại đây, ông Lý thường xuyên bị trướng bụng, thỉnh thoảng đi ngoài ra máu. Ông vốn tưởng những triệu chứng này do bệnh trĩ gây ra nên không chú ý, nhưng không ngờ cuối cùng lại trở thành ung thư ruột giai đoạn cuối.
Những năm gần đây, số người mắc ung thư ruột tăng lên đáng kể. Điều này có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt thường ngày. Cũng giống như căn bệnh ung thư ruột của ông Lý không thể không liên quan đến nghề nghiệp của ông.
Tài xế taxi và tài xế xe buýt đường dài thường có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, đây chính là rủi ro do nghề nghiệp mang lại mà họ phải đối mặt.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, sau khi ăn cơm nếu không vận động hoặc vận động quá ít sẽ khiến thành ruột nhu động chậm, làm kéo dài thời gian dừng của các chất độc trong đường ruột dẫn đến tăng nguy cơ gây ung thư ruột.
Ngoài ra, những người lái xe do thời gian ngồi trên xe nhiều còn dẫn đến khả năng suy giảm miễn dịch, khả năng điều tiết trong đường ruột thất thường làm tổn thương đến đường ruột.
Bác sĩ điều trị cho ông Lý cho biết thêm rằng, nếu cơ thể con người xuất hiện "2 đau – 1 nhiều" dưới đây thì cần ngay lập tức đi khám để được tư vấn kịp thời.
1. Đau bụng
Đau bụng thường là hiện tượng rất thường gặp trong cuộc sống, bởi vậy nên có rất nhiều người chủ quan khi đau bụng. Rất nhiều người, đặc biệt là những người có chức năng tiêu hoá kém, chỉ cần một chút vấn đề nhỏ trong ăn uống có thể dẫn đến đau bụng, thậm chí là tiêu chảy.
Nhưng nếu tình trạng đau bụng dai dẳng và luôn có cảm giác muốn đi ngoài nhưng lại không thể đi được. Lúc này rất có thể đường ruột đã chuyển sang giai đoạn ung thư, khi khối u mở rộng hơn nó sẽ từ những cơn đau không rõ ràng ban đầu chuyển sang đau âm ỉ thậm chí là đau quặn bụng.
Bởi vậy nên chúng ta không nên bỏ qua những cơn đau bụng, cần lắng nghe cơ thể để đi khám và kiểm tra kịp thời.
2. Đau hậu môn
Dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ. Trực tràng ở sát với hậu môn, nếu trực tràng bị ung thư thì thường sẽ gây đau hậu môn. Trường hợp này rất nhiều người cho rằng đây là bệnh trĩ, nếu bạn không thể chẩn đoán chính xác thì nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám cho bạn.
3. Đại tiện nhiều hơn
Ung thư ruột giai đoạn sớm dễ dẫn đến hiện tượng nhu động ruột bất thường. Phổ biến nhất là số lần đi đại tiện đột nhiên tăng lên, thường xuyên tiêu chảy, có thể táo bón hoặc thậm chí là tiêu chảy và táo bón đan xen nhau.
Lúc này bạn nhất định phải cảnh giác, vì khi ung thư ruột ác hoá sẽ gây nên hiện tượng này.
Để duy trì sự khoẻ mạnh cho đường ruột, trong cuộc sống thường ngày bạn nên duy trì "3 ít – 3 kiên trì" dưới đây:
1. Ăn ít đồ chiên rán
Ăn quá nhiều đồ chiên rán sẽ làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Đặc biệt là các loại thịt khi nấu ở nhiệt độ cao sẽ làm các protein và axit amin bị nhiệt phân tạo ra hợp chất hoá học gây ung thư đường ruột.
2. Ăn ít đồ nướng
Nướng thức ăn sẽ làm phá huỷ các chất dinh dưỡng vốn có gây ra sự suy giảm protein và tạo ra các chất gây ung thư như benzopyrene.
Thường xuyên ăn những loại thực phẩm này cũng làm tăng gánh nặng đường tiêu hoá, gây táo bón, đau bụng thậm chí là ung thư.
3. Ăn ít các loại thức ăn cay nồng
Các món lẩu cay rất dễ gây kích thích đường ruột, làm tăng gánh nặng trong ruột dẫn đến tiêu chảy, nặng hơn là ung thư đường ruột.
4. Kiên trì uống nước
Có vẻ như khó tin rằng, chỉ một việc đơn giản là uống nhiều nước có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Nước làm loãng bớt và làm tăng tốc độ loại bỏ những chất độc, chất gây ung thư ra khỏi cơ thể. Mất nước cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các enzyme cần thiết trong cơ chế loại bỏ chất độc và trong hệ miễn dịch.
5. Kiên trì tập thể dục
Tập thể dục mỗi ngày rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là đối với những người bị chứng táo bón. Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp cải thiện sự lưu thông trong đường ruột và kích thích sản sinh ra enzym giúp đường ruột hoạt động đúng theo quy trình.
6. Kiên trì khám sức khoẻ định kỳ
Đương nhiên việc thăm khám sức khỏe định kỳ luôn là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng và phát hiện sớm các bệnh lý đường ruột.
Theo Phượng Nguyễn (Trí Thức Trẻ)