Hôm qua, tôi đã hủy kết bạn với một người chị quen biết lâu năm, chỉ vì chị ấy đăng lên tường vài bức hình mùa Vu lan.
Chuyện là, cách đây vài tháng chị có nhắn tin rủ tôi tham gia vào một hội nhóm chuyên kinh doanh các khóa học về thần số học, các lớp huấn luyện cá nhân, tổ chức kỹ năng mềm hoặc chuyên môn quản trị.
Vì không có nhu cầu nên tôi khéo léo từ chối. Sâu xa, tôi không có định kiến gì ghê gớm về những khóa học, những mô hình kinh doanh này, nhưng về cơ bản, tôi là người thích sống đơn giản, không thích màu mè. Tôi thấy hầu hết những người thuyết trình ở các khóa học này đều có chút gì đó ưa thể hiện bằng hình thức bên ngoài. Nếu là nữ phải là những bộ đầm váy sang chảnh, giày cao gót, uốn tóc uốn mi kỹ lưỡng. Còn là nam, phải là những bộ vest cổ cồn, giày Âu bóng loáng.
Chị cũng vậy, từ khi nghỉ việc ở cơ quan cũ, chị lột xác thành một người hoàn toàn khác, nhìn rất “thương hiệu”.
Thế rồi câu chuyện rơi vào tình thế “giọt nước tràn ly” vào ngày hôm qua, khi chị đăng lên Facebook vài bức hình vào mùa Vu lan báo hiếu. Ở đó, ngoài những bức lễ chùa, lạy Phật của gần trăm con người ở một thiền viện, còn rất nhiều bức chụp trung cảnh, cận cảnh những người trẻ rửa chân cho người già.
Người già ngồi trên chiếc ghế nhựa, cho hai chân vào thau nước hứng sẵn bên dưới, người trẻ sẽ quỳ mọp trên sàn để rửa chân. Từng đôi một già - một trẻ, có vẻ ai cũng say sưa, rưng rưng với công việc của mình.
Tuy nhiên, cùng lúc ấy, xung quanh có thêm một đội quân chụp hình hùng hậu. Gần như mỗi cặp đôi sẽ có một người chụp hình. Họ chăm chút đủ tư thế để lấy được những bức hình ưng ý nhất.
Tôi lắng lại vài giây rồi tự hỏi: “Từ bao giờ lòng hiếu thuận của con người cũng được đưa ra để làm màu, đánh bóng?”. Tôi buồn quá, nhưng không bình luận gì, lặng lẽ nhất nút “out”.
Lựa chọn của tôi có thể là vị kỷ và thành kiến, vì vốn dĩ, trong đạo Phật, hành động rửa chân cho cha mẹ dịp Vu lan là một nghi thức, một cách hành lễ ẩn chứa nhiều giá trị về lòng biết ơn.
Qua hành động này, những người con có thể cảm nhận sâu sắc hơn công ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, cả đời lo lắng cho con, vừa để những người cha, người mẹ cảm nhận được tình cảm hiếu thuận của con cháu dành cho mình. Khi rửa chân cho cha mẹ, những đứa con sẽ cảm nhận được đôi bàn chân thô ráp, sần chai sau bao năm vất vả của cha mẹ mình.
Tuy nhiên, điều tôi không thích là cách mà người ta gán vào nó nhiệm vụ quảng bá, làm thương hiệu cho một hội nhóm, tổ chức nào đó. Nhiều người đã vào bình luận ở những bức hình của người chị tôi quen. Nội dung bình luận không quá khiếm nhã, nhưng cũng đánh động điều gì đó về tinh thần báo hiếu. Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng, báo hiếu là việc làm tự nguyện, là không chờ đợi, rình rang, báo hiếu là “lắng nghe” và “nhìn thấy” cha mẹ mình mỗi ngày.
Với tôi, việc báo hiếu ý nghĩa và thiêng liêng hơn khi mọi thứ diễn ra trong nhẹ nhàng và thầm kín. Ở đó sẽ không có chỗ cho sự sắp đặt quá kỹ lưỡng, không có những tính toán, trục lợi đi kèm.
Thúy Diễm là cô bạn cùng làng với tôi, nhờ sắc vóc xinh đẹp nên cô sớm lấy chồng đại gia. Hiện cô cùng chồng làm chủ một chuỗi cửa hàng chăm sóc sắc đẹp cho các quý bà ở TPHCM. Công việc bận rộn, nhiều mối quan hệ làm ăn nên năm thỉnh mười thoảng cô mới dành ra chút thời gian tạt về thăm quê.
Năm trước mẹ Diễm ốm một trận thập tử nhất sinh, phải nằm tại chỗ vài tháng trời nhưng cô cũng chẳng về. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ tay người con dâu cáng đáng. Cô con dâu là giáo viên mầm non, công việc bận rộn và rất nhiều áp lực, nhưng vì thương mẹ, cô đã vun vén chu toàn.
Ngày đi dạy, đêm hôm cô tranh thủ hầm thuốc Bắc, học hỏi công thức nấu đồ ăn ngon bồi bổ cho mẹ. Cô động viên con trai, con gái ở nhà ngoài giờ học giờ chơi thì phải đến trò chuyện, động viên để bà khỏi tủi, khỏi buồn. Chẳng phụ công chăm sóc, dịp gần tết bỗng nhiên bà khỏe lại, đi được vài bước chân khiến cả nhà vui mừng.
Khi nhận được tin mẹ biến chuyển tốt, Diễm từ TPHCM xông xáo bay ra đặt mâm đặt tiệc chúc mừng. Cô tặng mẹ áo quần, vòng, tiền rồi tuyên bố vào dịp Vu lan năm nay sẽ kết hợp 2 trong 1, tổ chức lễ thượng thọ lớn cho ba mẹ.
Buổi tiệc chúc mừng hôm ấy, khi Diễm bận rộn, rôm rả chào hỏi khách mời thì mẹ cô lặng lẽ, trao ánh nhìn đầy ấm áp cho người con dâu.
Với tôi, ánh mắt của cụ bà và sự có mặt khi cần của người dâu trẻ, chúng hệt như ánh trăng đêm rằm tháng 7, dịu dàng mà bát ngát, khiêm nhường mà mênh mông…
Theo Hải Thi (Phụ Nữ TP.HCM)