Ngày Tết gia đình nào cũng bày rất nhiều món ăn ngon. Bên canh các món mặn truyền thống như bánh chưng, gà luộc, xôi gấc, bánh mứt kẹo là một phần không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu này, đại dịch COVID-19 có thể khiến việc đi chúc Tết bị hạn chế ở một số nơi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có ‘nguy cơ’ ăn rất nhiều bánh mứt kẹo – những món chứa rất nhiều đường – trong dịp Tết.
Có rất nhiều thông tin về tác động của đường đối với sức khỏe của chúng ta. Nhưng mặc dù con người cần glucose để tồn tại, rõ ràng lượng đường cao ngất trong thực phẩm hàng ngày như đồ ăn nhanh đã chế biến sẵn, đồ hộp, bánh kẹo và nước ngọt là quá nhiều đối với cơ thể.
Tờ Insider của Mỹ đã tổng hợp 8 tác động đáng sợ nhất mà một chế độ ăn nhiều đường có thể gây ra đối với sức khỏe tổng thể, với ý kiến chuyên môn từ bác sĩ tim mạch người Mỹ Jennifer Haythe và chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Rebecca Lee.
Tăng cân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ thức ăn và đồ uống nhiều đường với tăng cân. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "American Journal of Clinical Nutrition" năm 2011 đã xác nhận mối liên hệ giữa việc uống nước ngọt thường xuyên và bệnh béo phì gia tăng.
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Đồ uống có đường, đặc biệt là soda, cung cấp ít lợi ích dinh dưỡng, làm tăng cân và có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gãy xương và sâu răng".
Cơ thể bạn cần glucose để tồn tại, nhưng khi bạn tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết, điều gì sẽ xảy ra?
Chuyên gia dinh dưỡng Lee nói: "Khi bạn tiêu thụ nhiều đường hơn mức cơ thể có thể sử dụng, cơ thể sẽ chuyển hóa đường thành axit béo và lưu trữ để sử dụng trong tương lai trong các tế bào mỡ như ở hông, đùi, cánh tay và dạ dày".
Sâu răng
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đường không thực sự gây sâu răng. Tuy nhiên, chất cặn (axit) do đường tương tác với bề mặt răng sẽ gây ra sâu răng.
Chuyên gia dinh dưỡng Lee cảnh báo: "Đường tương tác với vi khuẩn và tạo ra axit, sau đó axit hòa tan và làm hỏng men răng, khiến răng bị sâu".
Vì vậy, nếu bạn không ăn uống chọn lọc hoặc bỏ qua đánh răng, nguy cơ sâu răng có thể tăng lên.
Vấn đề về da
Các nhà khoa học gần đây đã tìm ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ sữa và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao với các vấn đề về da.
Mụn trứng cá, bệnh rosacea, sạm da và các tình trạng da khác có thể trở nên tồi tệ hơn do chế độ ăn uống nhiều đường, theo chuyên gia dinh dưỡng Lee.
Nguy cơ tiền đái tháo đường
Bác sĩ Haythe giải thích: "Khi bạn ăn bất cứ thứ gì có chứa glucose, cơ thể bạn sẽ giải phóng insulin - giúp cơ thể chuyển hóa glucose thành năng lượng. Vấn đề là khi mọi người ăn quá nhiều đường cùng một lúc, sẽ có một lượng lớn insulin được giải phóng và bạn có thể bị hạ đường huyết hoặc kháng insulin".
Trầm cảm và lo lắng
Ăn nhiều đường khiến não tiết ra dopamine, một chất hóa học "tạo cảm giác dễ chịu". Nhưng liệu một chế độ ăn giàu đường có góp phần gây ra căng thẳng và trầm cảm? Nghiên cứu mới cho rằng điều đó có thể.
Chế độ ăn giàu tinh bột và thực phẩm nhiều đường có liên quan đến mức độ viêm cao hơn so với chế độ ăn giàu protein nạc và rau quả.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên "Tạp chí Tâm thần học lâm sàng" cho thấy tình trạng viêm là một dấu hiệu của trầm cảm và mức độ căng thẳng cao.
Chuyên gia Lee khẳng định: "Đường làm tăng tình trạng viêm khắp cơ thể, kể cả trong não".
Do đó, một chế độ ăn nhiều đường có thể tạo ra phản ứng viêm trong cơ thể, nguy cơ dẫn đến gia tăng căng thẳng, lo lắng và thậm chí trầm cảm.
Bệnh tim
Triệu chứng rõ ràng nhất của việc ăn quá nhiều đường là tăng cân. Nhưng một nghiên cứu đáng báo động cho thấy ngay cả khi bạn không thừa cân, một chế độ ăn giàu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch theo cấp số nhân.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra "những người tiêu thụ khoảng 17% đến 21% lượng calo của họ từ đường bổ sung có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 38%", đặc biệt là những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường như soda.
Để so sánh, năm 2010, một người Mỹ trung bình tiêu thị ít nhất 10% calo của họ từ đường.
Bệnh gan
Chúng ta thường gắn suy gan với lạm dụng rượu, nhưng nghiên cứu cho thấy đường có thể gây hại cho gan gần như rượu.
Khi chúng ta ăn quá nhiều đường, máu và gan có thể bị quá tải. Gan là nơi hấp thụ glucose và ổn định lượng đường. Việc kém hấp thu đường mãn tính có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Vấn đề về trí nhớ
Một nghiên cứu năm 2015 tại Đại học bang Oregon (Mỹ) xác nhận rằng chế độ ăn giàu đường có thể tác động trực tiếp đến khả năng lưu giữ ký ức ngắn và dài hạn của não bộ.
Nghiên cứu cho thấy chỉ sau 4 tuần thực hiện chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường, những con chuột thí nghiệm đã giảm khả năng nhận thức.
Kathy Magnusson, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết: "Sự suy giảm tính linh hoạt trong nhận thức trong nghiên cứu này là khá lớn".
Một nghiên cứu năm 2017 tại Vương quốc Anh đã củng cố điều này bằng cách chứng minh mối liên hệ giữa lượng đường trong máu cao và sự tiến triển của bệnh mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer.
Bác sĩ Omar Kassar nói với The Telegraph: "Lượng đường dư thừa được biết là có hại cho chúng ta khi nói đến bệnh tiểu đường và béo phì, nhưng mối liên hệ tiềm ẩn với bệnh Alzheimer là một lý do khác mà chúng ta nên kiểm soát lượng đường nạp vào".
Theo Trà My (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)