Yêu là giai đoạn không chỉ đẹp mà còn vô cùng quan trọng để đôi bên tìm hiểu về nhau xem đối phương có thật sự hợp với mình. Bởi khi đã bước chân vào cuộc sống hôn nhân thì vợ chồng cần phải tâm đầu, ý hợp, chung quan điểm sống thì đôi bên mới có thể gắn bó suốt cả cuộc đời. Nhất là phụ nữ khi chọn chồng lại càng phải biết cách quan sát xem chàng trai mình yêu có đúng là chỗ dựa vững chắc để gửi gắm hạnh phúc, tương lai hay không.
Mới đây, cô vợ lên mạng than thở về câu chuyện của chính mình. Cô viết:
"Bạn trai hơn em 4 tuổi, anh ấy chững chạc, công việc ổn định và theo như chia sẻ từ anh thì em biết được, hiện thu nhập của anh ấy khá ổn với mức lương 20 triệu/ tháng chưa kể làm thêm. Dù là đàn ông nhưng tính anh gọn gàng, sạch sẽ. Đặc biệt anh rất chịu khó nấu ăn, ít khi mua đồ hàng quán. Điều này khiến em khá ấn tượng nghĩ anh thật sự là mẫu đàn ông của gia đình, không ngại bếp núc, nội trợ giúp vợ.
Thứ 4 tuần trước là sinh nhật anh, anh mời nhóm bạn thân tới dự. Tự anh nấu nướng, đạo diễn được hết các món. Chiều hôm ấy, anh nhắn em về sớm để đi chợ cùng nhau về làm 2 nồi lẩu cá. Đúng là có đi với anh ấy, em mới được 'mở rộng' tầm mắt về khả năng nội trợ, mua sắm của bạn trai. Mọi thứ anh đều hỏi theo cân, theo lạng, tính sát từng tí.
Ngạc nhiên nhất là anh trả giá rất thành thạo sành sỏi. Bắt đầu là mua cá, anh chọn mua 2 con cá quả là 4.1kg nhân với giá 120k/1kg, hết 492 nghìn. Lúc thanh toán, anh chỉ rút 480k đưa trả người bán. Chủ cửa hàng không đồng ý, anh đứng cò kè từng đồng. Mãi sau họ cũng chịu bán nhưng khi rời bước đi, em còn nghe rõ tiếng bà ấy chửi đổng phía sau: 'Đàn ông gì mà mua bán thêm bớt hơn đàn bà'.
Em muối mặt ngượng nhưng anh thì thản nhiên như không, còn quay bảo: 'Đi chợ là em phải trả giá. Đừng có thấy người ta hô bao nhiêu, trả bấy nhiêu là đốt tiền'.
Đến hàng rau, cả đám rau thơm còn nguyên bó của chủ hàng, anh nhảy vào lật lên lật xuống, bới tung hết cả. Bà bán rau xót hàng, nhắc anh nhẹ tay thì anh gắt gỏng: 'Cháu mua hàng mất tiền chứ có xin không đâu mà nhắm mắt nhặt bừa để lấy đồ úa về ăn'.
Em đứng bên ngượng quá giục anh chọn phiên phiến còn đi mua đồ khác. Thế mà mà anh vẫn ngồi tới 10 phút mới chọn xong mấy bó rau. Tổng hết 69k, chủ hàng không có 1 nghìn trả lại, bảo anh lấy thêm 1 nghìn hành. Không ngờ anh gắt: 'Cháu mua đủ hành rồi, mang thêm về lại thừa cho phí. Bác đi đổi tiền đi rồi trả lại cháu'.
Nghe tới đây em choáng váng thất sự về mức độ chi li của người yêu nhưng vẫn cố không thể hiện độ 'sốc'. Tí tới hàng thịt, củ quả, hễ em nhặt đồ lên anh lại bỏ xuống xua tay: 'Không mua nhiều thế em, có mấy người ăn thừa ra lại bỏ đi, phí lắm'.
Trên đường về, anh hớn hở kể thành thích đi chợ từ ngày cấp 2 của mình rằng anh biết mua hàng trả giá từ ngày còn là học sinh. Rồi anh quay ra chê em là phụ nữ mà không biết mặc cả mua hàng. Còn bảo sau này cưới, anh sẽ dạy lại em việc nội trợ chứ không thể để vợ đi mua đồ kiểu à uôm như thế khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Bạn trai cứ thao thao bất tuyệt bên cạnh mà tai em thì như ù đặc. Tự nhiên lúc ấy đầu em chỉ tưởng tượng tới cảnh 1 người chồng quá keo kiệt 'đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành' khiến em phát sợ.
Sau hôm đó, em về kể chuyện với các bạn cùng phòng, cô ấy cười ngặt nghẽo khuyên em đàn ông mà chi li quá lấy về sẽ khổ nên tốt nhất chia tay , 'chạy sớm'. Thật sự, buổi đi chợ cùng anh làm em ám ảnh nên cũng khá đắn đo cân nhắc tới chuyện có cùng anh đi tiếp nữa hay không".
Đàn ông giỏi nội trợ, chi tiêu là điều rất được khuyến khích nên không thể phủ nhận ưu điểm của chàng trai trong câu chuyện trên. Song cũng đúng như những gì cô gái phân vân, cách hành xử của anh hơi có phần chi li, tính toán quá khiến phụ nữ nhìn vào sẽ tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai khi phải sống bên một người chồng chi tiêu quá chặt chẽ.
Cũng có người khuyên cô nên góp ý để bạn trai điều chỉnh lại lối hành xử của mình hòa nhã, xởi lởi hơn cho dễ sống. Tuy nhiên chọn lựa thế nào cho hợp với bản thân thì chỉ cô mới biết để đưa ra quyết định bởi chẳng ai có thể thay cô chọn lựa hạnh phúc.
Theo An Thanh (Gia Đình)