Không thể phủ nhận rằng, điện thoại di động là vật dụng rất quan trọng đối với con người ngày nay. Thiết bị nhỏ này mang tới rất nhiều sự tiện dụng trong cuộc sống, điều này cũng dẫn đến việc nhiều người nghiện sử dụng nó mỗi ngày. Tuy nhiên, có rất nhiều tác hại khi sử dụng điện thoại trong bóng tối, nếu chủ quan trong thời gian dài sẽ gây tổn hại đến giác mạc trước, sau đó lan rộng ra nhiều cơ quan khác của cơ thể.
Cô Lưu là nhân viên công nghệ thông tin ở Tiêu Sơn, Trung Quốc. Vì đặc thù công việc nên cô không thể làm việc mà không có máy tính. Ban ngày, cô dành 8 tiếng làm việc trên máy tính, ban đêm trước khi đi ngủ còn dùng điện thoại thêm vài tiếng nữa. Sau một thời gian, cô cảm thấy khó chịu ở mắt, kèm theo sưng đỏ, hơi đau, đi khám thì phát hiện mình bị viêm giác mạc.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân cô bị viêm giác mạc là do dùng điện thoại trong bóng tối trong thời gian dài.
Những tác hại khi sử dụng điện thoại trong bóng tối
Nhiều người trẻ không thể thiếu các sản phẩm điện tử bên cạnh, không dành cho mắt chút thời gian nghỉ ngơi. Hình ảnh và chữ trên điện thoại di động tương đối nhỏ, mắt cần nhìn gần mới thấy rõ, đặc biệt là khoảng cách khi vừa nằm vừa xem điện thoại rất nguy hiểm. Nếu thói quen này diễn ra trong thời gian dài, nó có thể dẫn tới viêm giác mạc hoặc các bệnh khác về mắt.
Ngoài ra, vừa nằm vừa sử dụng điện thoại di động rất dễ bị thoái hóa đốt sống cổ. Sau một thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy cổ đau nhức, tay chân tê mỏi, đầu óc choáng váng, thở không đều. Nếu nhận thấy các dấu hiệu này xuất hiện, bạn nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên sử dụng đồ điện tử cùng một tư thế trong thời gian dài. Tốt nhất bạn nên tăng cường các hoạt động ngoài trời nhiều hơn để cải thiện sức đề kháng.
Các bệnh về mắt và thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến đối với người trẻ. Đặc biệt, nếu cầm điện thoại quá lâu, ngón cái và ngón trỏ hoạt động quá mức sẽ gây áp lực tích tụ, khiến cho mu bàn tay bị tổn thương. Hành động này lặp đi lặp lại liên tục sẽ dẫn tới "hội chứng ống cổ tay". Nếu thấy ngón tay đỏ, sưng, cong, cổ tay đau hoặc yếu, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.
Sử dụng điện thoại di động như thế nào mới đúng cách?
Điện thoại di động là phương tiện rất quan trọng trong xã hội ngày nay, nhưng bạn cũng cần chú ý tới cách sử dụng nó chính xác, tránh lạm dụng để bảo vệ cơ thể của chính mình. Sau đây là một số phương pháp có thể giảm thiểu bớt những rủi ro khi dùng điện thoại.
1. Điều chỉnh phông chữ
Các phông chữ trên các trang điện thoại rất nhỏ, có khả năng gây ra gánh nặng lớn cho mắt, bạn nên phóng to khi đọc. Nếu không thể phóng to, bạn có thể thư giãn mắt sau khi nhìn vào điện thoại trong một khoảng thời gian.
2. Giảm độ sáng
Độ sáng của điện thoại quá mức cũng gây hại mắt, hay độ sáng thấp cũng không tốt, nên để ở mức phù hợp và tuyệt nhiên không sử dụng trong bóng tối. Khi trời tối, có thể điều chỉnh ánh sáng theo chế độ ban đêm để giảm kích ứng lên mắt.
3. Điều chỉnh khoảng cách
Khi sử dụng điện thoại cần chú ý khoảng cách giữa điện thoại và mắt không quá gần, trong khoảng 30cm là hợp lý. Đặc biệt khi nằm nghiêng sử dụng điện thoại, nó sẽ gây áp lực lớn lên mắt, dễ gây lệch tầm nhìn trái phải.
4. Massage mắt
Nếu sử dụng điện thoại trong thời gian dài, bạn có thể ấn nhẹ vào mắt để đỡ mỏi mắt. Dùng ngón tay giữa ấn nhẹ nhãn cầu 3 lần, mỗi lần 20 giây, theo mức độ đau nhức. Massage mắt cũng là một động tác giảm đau. Thoa kem massage quanh mắt, dùng ngón giữa và ngón áp út (ngón giữa ở mí trên và ngón áp út ở mí dưới) đẩy nhẹ từ mi trong ra mi ngoài 10 lần.
Theo Phan Hằng (Trí Thức Trẻ)