Bản năng của mỗi người khi mới trở thành cha mẹ là luôn muốn bao bọc và che chở cho con mình khỏi bất kỳ những tổn hại nào. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ nguy hiểm xung quanh trẻ mà bạn không thể kiểm soát được như virus cytomegalovirus (CMV). CMV được xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một cậu bé trong thời gian gần đây và là một trong những mối nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bác sĩ Nicole Perreras - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa, bác sĩ phòng khám tại Bệnh viện và Trung tâm y tế châu Á ở thành phố Alabang và Trung tâm y tế Makati (Philippines) đã có những chia sẻ về CMV để các bậc cha mẹ có thể nắm rõ và tìm cách bảo vệ con mình.
Virus Cytomegalovirus (CMV) là gì? Trẻ có thể mắc phải CMV bằng cách nào?
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), cytomegalovirus là một loại virus phổ biến lây nhiễm cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Theo tiến sĩ Perreras, loại virus này lây truyền từ người này sang người khác qua con đường tiếp xúc với các chất bị nhiễm trùng như nước bọt, sữa mẹ hay nước tiểu. Nó cũng có thể được truyền từ mẹ sang con khi mang thai thông qua đường máu, trong khi sinh hoặc thậm chí là sau khi sinh thông qua sữa mẹ dương tính với CMV. Khi mang thai, người mẹ có thể bị nhiễm CMV bất cứ khi nào, tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng cao nhất diễn ra trong vòng nửa đầu thai kỳ. Cô cũng chia sẻ thêm rằng " Hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm CMV đều không có triệu chứng gì rõ rệt, virus CMV nằm yên lặng và tiềm ẩn bên trong cơ thể, và nó sẵn sàng kích hoạt khi hệ thống miễn dịch của bạn yếu đi"
Các triệu chứng CMV ở người lớn và trẻ em
Theo bác sĩ Perreas, CMV rất khó được phát hiện bởi nó gần như không có triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của CMV thay đổi tùy theo độ tuổi và tình trạng miễn dịch của họ. Một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng giống cảm cúm và sốt, đặc biệt là ở thanh thiếu niên hoặc người lớn.
Tiến sĩ Perreras nói rằng ở các nước đang phát triển như Philippines, trẻ em có thể đã bị nhiễm virus từ năm 3 tuổi và không có triệu chứng. "Ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, CMV có thể gây viêm phổi, viêm gan, viêm đại tràng và viêm võng mạc mắt", bác sĩ Perreras nói.
Trẻ sơ sinh có thể bị nghi ngờ nhiễm CMV nếu như xuất hiện một số nhóm các triệu chứng chẳng hạn như nhẹ cân, đầu nhỏ bất thường, tổn thương da, vàng da rõ rệt hoặc gan lớn. CMV cũng có thể gây thiếu máu và viêm võng mạc. Trẻ sơ sinh khi được sinh ra đã nhiễm CMV (CMV bẩm sinh) thường bị chậm phát triển khi lớn lên. Và nổi bật nhất là trẻ có thể bị mất đi thính lực.
CMV được chẩn đoán như thế nào?
Việc chẩn đoán CMV khá khó khăn vì có rất nhiều chủng khác nhau và nhiều người nhiễm loại virus này thực sự không có triệu chứng nào cả. Một người có thể phục hồi sau khi nhiễm CMV và có thể phát triển các kháng thể đối với chủng đó, nhưng lại tái nhiễm với một chủng virus khác. Tiến sĩ Perreras cho biết: "Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ sơ sinh của bạn có thể mắc bệnh này, họ có thể yêu cầu chụp não để chẩn đoán. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chuẩn độ (xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm) ở cả trẻ sơ sinh và mẹ để so sánh hoặc suy luận xem liệu có phải nhiễm trùng lây truyền trong thai kỳ hay không. Tuy nhiên, các chuẩn độ này được giới hạn cho đến khi đứa trẻ khoảng 21 ngày tuổi, sau thời gian đó xét nghiệm sẽ không thể xác định được là trẻ nhiễm CMV trước hay sau khi sinh."
CMV cũng có thể được phân lập trong nước tiểu, có thể sử dụng xét nghiệm có tên là Phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, CMV có thể có các dấu hiệu và triệu chứng ảnh hưởng đến gan hoặc mắt. Khi bệnh có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân điều trị bằng cách sử dụng một loại thuốc gọi là ganciclovir. Thông thường, rất ít người được yêu cầu kiểm tra CMV, tuy nhiên nếu như bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, hoặc trẻ sơ sinh có dấu hiệu và triệu chứng có thể liên quan đến CMV, thì xét nghiệm sẽ được tiến hành.
Không có vắc-xin để ngăn ngừa CMV. Tuy nhiên, ở những người khỏe mạnh hệ thống miễn dịch có thể tự mình chống lại loại virus này.
Theo Kim Vi (Helino)