Yếu tố nguy cơ chính khiến trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Sặc sữa hiểu đơn giản là hiện tượng sữa trào ngược lên mũi vào đường thở khiến trẻ khó thở, hosặc sụa, tím tái có thể gây ngừng thở.
Nguyên nhân thường là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, cho bú khi trẻ đang khóc, đang ho, sữa mẹ xuống quá nhiều.
Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp.
Đặc biệt nếu cho trẻ bú trong tư thế nằm khiến thực phẩm dễ dàng lọt vào đường thở dẫn tới ngừng thở gây tím tái người, nếu không được sơ cứu sẽ khiến trẻ có thể bị mất mạng.
Hơn nữa, nhiều trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ. Trong khi miệng ngậm núm vú nhưng không hề nuốt, khi thở mạnh trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào phế quản dẫn đến tình trạng sặc sữa.
Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện, nếu trong khi cho con bú sữa mẹ làm trò cười hoặc nói chuyện với bé khiến bé cười sẽ làm cho sữa tràn vào khí quản và gây sặc sữa.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hà - Trưởng Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ cách xử trí kịp thời cũng như phòng tránh hiện tượng trẻ sơ sinh bị sặc sữa.
Bác sĩ chỉ cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Trước thực tế, nhiều bà mẹ để con nhỏ gặp phải tại nạn sặc sữa, và rất lóng ngóng trong quá trình xử lý. Bác sĩ Nguyễn Thu Hà - Trưởng Khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ cách xử trí kịp thời cũng như phòng tránh hiện tượng trẻ sơ sinh bị sặc sữa.
Khi trẻ có những dấu hiệu sặc sữa, các mẹ hãy thực hiện sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ ngay lập tức. Lúc này, chính mẹ là người trực tiếp cứu con mình chứ không phải ai khác.
Nhanh chóng lấy sữa trong miệng trẻ ra bằng cách dùng miệng hút miệng và mũi của trẻ để sữa được ra ngoài. Hút càng nhanh càng tốt vì nếu như chậm sẽ khiến cho sữa đi sâu vào trong phế quản, trẻ tắc sữa lâu khó cứu.
Trong trường hợp trẻ bị tắc sữa lâu, khả năng cứu sẽ rất khó vì vậy sau khi hút xong mẹ nên kích thích mạnh để trẻ có thể khóc và thở được. Sau đó mẹ nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để được sơ cứu y khoa.
Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh bị sặc sữa có các biểu hiện như tím tái, khó thở, mẹ hãy đặt trẻ nằm sấp xuống, dùng tay vỗ nhẹ 5 cái vào lưng ở vị trí giữa hai xương bả vai rồi lật trẻ quay lại, nếu trẻ khóc được, cơ thể hết tím tái thì nhanh chóng chuyển đến bệnh viện, cơ sở gần nhất để tiếp tục theo dõi .
Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn còn tím tái người, mẹ dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn dưới xương ức và vị trí đường nối hai bên ngực, thực hiện liên tục 6 cái.
7 chiêu ngăn ngừa con bú không bị sặc sữa
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm, trẻ sơ sinh bị sặc sữa là hiện tượng thường gặp, và thực tế là khó tránh khỏi, không vì yếu tố khách quan thì chính là do những người trực tiếp chăm sóc trẻ gây nên. Tuy nhiên nếu như mẹ thận trọng và biết cách chăm sóc cho con bú thì bé sẽ không mắc phải điều này.
Dưới đây là những cách chăm trẻ nhỏ thường ngày nhưng cần hết sức lưu ý như:
- Tuyệt đối mẹ không nên để bé vừa bú vừa ngủ.
- Hơn nữa, khi cho con bú mẹ cũng không nên cười đùa với bé, điều này sẽ khiến bé dễ cười dẫn tới sặc sữa.
- Tư thế cho con bú cần phải được chú ý, không nên để cổ của bé ngửa hoặc gập cổ, mẹ bế bé cao đầu với tư thế thoải mái.
- Cho bé bú từ từ không nên vội vàng nhất là với trẻ con non nớt hoặc sinh non.
- Khi bú nếu thấy trẻ ho hoặc khóc mẹ nên ngừng ngay.
- Với những trẻ bú bình, hãy lựa chọn bình sữa với lỗ ở núm vú bình thường, không quá to, điều này giúp sữa chảy xuống nhẹ nhàng bé sẽ không bị sặc sữa.
- Bên cạnh đó, khi cho bé bú bình hãy nhớ nghiêng bình sữa 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ trong núm vú, bé sẽ không phải mút nhiều khiến không khí vào dễ xảy ra tình trạng sặc sữa hoặc nôn sau khi bú.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, trong trường hợp trẻ bị sặc sữa, mẹ bé đã xử trí các cách như trên mà trẻ vẫn có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, ngưng thở, các bậc phụ huynh phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Theo Linh Trang (Soha/Trí Thức Trẻ)