Uống bia có giải nhiệt
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bia là một loại nước, nhưng có giúp giải khát và bổ sung lượng nước đã mất hay không thì phải xem lại. Khi uống bia ướp lạnh hay với nước đá, cơ thể chúng ta sẽ có sự xáo trộn nhiệt độ. Thân nhiệt bạn đang ở trạng thái nóng, khi uống nước lạnh sẽ gây ảnh hưởng cơ thể.
Ngoài ra, bia có tính lợi tiểu, do đó sẽ khiến cơ thể mất nước và đi tiểu nhiều. Uống bia giải khát không đồng nghĩa là không có chất độc. Bia gây độc cho gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Uống bia tức là đưa vào cơ thể một lượng cồn làm quá tải hoạt động của gan, gây tổn thương gan, có thể là tổn thương cấp tính hoặc tổn thương dần dần về lâu dài.
Cùng quan điểm, TS Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết mùa hè chính là mùa "chịu trận" của lá gan.
Số bệnh nhân đến khám vì các bệnh liên quan tới gan cũng tăng cao như viêm gan cấp tính, tăng men gan và khi tìm hiểu ra bệnh nhân đều trải qua một thời gian dài dùng bia để giải nhiệt cơn nóng mùa hè. Mọi người thấy uống bia mát, đã khát nhưng thực chất chỉ mát miệng còn cơ thể oằn mình chống đỡ.
TS Long cho biết gan là cơ quan nội tạng lớn của cơ thể nhưng không phải vì thế mà bắt gan hoạt động hết công suất với lượng bia chúng ta đưa vào bụng hàng ngày. Khi bạn uống tới 4,5 vại bia thì lá gan làm việc với tần suất rất cao để chuyển hóa và loại trừ chất độc. Với hiệu suất làm việc quá tải thì chắc chắn đến một ngày nào đó, các tế bào gan sẽ mỏi mệt dẫn đến tình trạng đầu tiên là thoái hóa mỡ .
Thoái hóa mỡ lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm gan, các tế bào gan bị phá hủy hoại. Điểm cuối cho lá gan chính là xơ gan. Đã xơ gan thì không thể phục hồi mà chỉ giảm tình trạng xơ hoá. Tỷ lệ xơ gan đến ung thư gan rất nhiều.
TS Long cho biết uống bia rượu nhiều xong về uống bổ gan hoàn toàn không có tác dụng. Cách tốt nhất bảo vệ lá gan là đừng đưa chất độc vào cơ thể quá nhiều.
3 cách bảo vệ lá gan
TS Phượng cũng cho biết thay vì suy nghĩ cứ giải nhiệt cho đã rồi uống bổ gan sau thì hãy bảo vệ lá gan của mình đầu tiên. Không có cách nào chăm sóc gan tốt nhất đó là:
Thứ nhất, đừng để gan phải chịu nhiều áp lực bởi các yếu tố bên ngoài. Thông thường, gan có 2 chức năng quan trọng đó là chuyển hóa và đào thải độc chất. Nếu chúng ta nạp vào quá nhiều hoặc lẫn lộn các chất thì gan phải sàng lọc, làm việc nhiều hơn dẫn đến quá tải.
Nếu một ngày chúng ta làm việc 8 tiếng sẽ là tiền đề để cơ thể phát triển hoàn chỉnh, khỏe mạnh, nhưng ngược lại nếu kéo dài thời gian này lên 12 tiếng, thậm chí 18 tiếng thì chắc chắn gan sẽ suy yếu nhanh, hãy để gan được nghỉ ngơi.
Thứ hai, đừng đưa quá nhiều chất độc vào cơ thể. Khi đưa vào quá nhiều chất độc như rượu bia, sử dụng các chất giải độc cơ thể, bổ sung năng lượng dưới nhiều hình thức khác nhau, không rõ nguồn gốc hoặc áp dụng các bài thuốc truyền miệng… thì gan càng phải hoạt động liên tục để bảo vệ lá gan, cơ thể. Thực chất, những chất này không những không giải mà còn gom độc về cho cơ thể.
Thứ ba, là tăng cường sức đề kháng để bảo vệ cơ thể, lá gan. Để làm được điều này thì chúng ta cần đảm bảo dinh dưỡng đủ, hài hòa các thành phần đạm, đường, béo, vitammin và khoáng chất. Ngoài ra, cần siêng năng tập thể dục, cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa từ thực phẩm, hoạt động thường ngày, từ đó giúp gan đào thải, nghỉ ngơi tốt hơn.
TS Long cho biết tại phòng khám Chuyên khoa BV ĐH Y Dược TP.HCM, hầu như ngày nào cũng gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám sức khỏe định kỳ, không có triệu chứng, phần lớn kết quả siêu âm cho thấy tình trạng gan nhiễm mỡ và không ít trường hợp chuyển qua xơ gan, xơ gan mất bù. Vì vậy, thay vì nghĩ cách thải độc thì hãy đừng nạp chất độc cho gan, hãy để gan nghỉ ngơi.
Theo Ngọc Anh (Trí Thức Trẻ)