Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi cách ly điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 thường gặp một số triệu chứng gây khó chịu như sốt, ho, đau họng, căng thẳng tinh thần,… Đây là những triệu chứng hoàn toàn có thể tự xử lý để tạo cảm giác thoải mái hơn.
Bác sĩ hướng dẫn, nếu bạn là người lớn và gặp tình trạng sốt trên 38,5 độ C, nên hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol liều 0,5 - 1g. Có thể uống thuốc lặp lại sau 4 - 6 tiếng, chú ý không dùng quá 4 lần trên 1 ngày.
Trẻ nhỏ khi có biểu hiện sốt trên 38,5 độ C cũng có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. Phụ huynh cần tính liều uống theo cân nặng của trẻ, liều cụ thể được khuyến cáo là từ 10 - 15mg/kg/lần. Việc sử dụng thuốc có thể lặp lại sau 4 - 6 tiếng, không quá 4 lần/ngày.
Bên cạnh việc hạ sốt bằng thuốc, người bệnh nên phối hợp thực hiện thêm một số biện pháp cơ học như nới lỏng quần áo, nằm ở không gian thông thoáng, lau người bằng nước ấm,… để giúp cơ thể hạ nhiệt. Nếu đã dùng thuốc hạ sốt và áp dụng tất cả biện pháp nói trên nhưng vẫn tiếp tục sốt cao, bệnh nhân cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được chăm sóc kịp thời.
Với các F0 có biểu hiện ho và đau họng, bác sĩ Ninh cho biết cần súc họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn họng. Dùng thuốc giảm ho theo đơn chỉ định của nhân viên y tế.
Trường hợp gặp tình trạng căng thẳng tinh thần như lo lắng, sợ hãi thái quá, mất ngủ, khó tập trung, người bệnh nên áp dụng các biện pháp giúp thoải mái về mặt tinh thần như tăng cường giao lưu chia sẻ với người thân trong gia đình, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, giúp thư giãn,… Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, F0 nên báo cho nhân viên y tế để kịp thời phát hiện diễn biến bất thường và xử trí phù hợp.
Bác sĩ Ninh cũng lưu ý một số triệu chứng bất thường F0 có thể gặp trong quá trình cách ly tại nhà, là dấu hiệu chuyển nặng. Khi xuất hiện một trong những dấu hiệu dưới đây, bệnh nhân cần liên hệ ngay với cơ quan y tế:
- Khó thở hoặc thường xuyên có cảm giác đau tức ngực.
- Khi đếm nhịp thở thấy nhịp thở tăng trên 25 lần/1 phút, khi sử dụng máy đo SpO2 thấy SpO2 dưới 95% (lưu ý, phải đảm bảo đo SpO2 đúng cách).
- Mạch nhanh trên 120 lần/1 phút hoặc mạch chậm dưới 50 nhịp/1 phút.
- Tụt huyết áp (huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu trên 60 mmHg). Theo bác sĩ Ninh, đây là thông số huyết áp thấp đối với những trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh lý nền. Với F0 có tiền sử tăng huyết áp, việc đánh giá hạ huyết áp sẽ có những hướng dẫn riêng.
- Bệnh nhân bị ho nhiều, ho nhiều đờm, thậm chí ho ra máu.
- Bệnh nhân có những thay đổi về mặt ý thức như lơ mơ, ngủ gà, bị kích thích.
- Người bệnh tím tái, bị nhợt ở môi, đầu chi, đầu móng tay, móng chân hoặc thấy da xanh tái và lạnh.
- Bất kỳ triệu chứng nào khiến F0 cảm thấy bất thường, lo lắng, sợ hãi cũng nên báo cáo với các nhân viên y tế để có phương án xử lý phù hợp.
Để theo dõi sức khỏe tại nhà một cách tốt nhất, theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, người bệnh nên chuẩn bị đầy đủ dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn bề mặt, thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, khẩu trang y tế, găng tay y tế sạch.
Ngoài ra, chuẩn bị các dụng cụ cá nhân như nhiệt kế, máy đo huyết áp (nếu được nên trang bị cả máy đo SpO2 ở đầu ngón tay). Một số thuốc thiết yếu cần có bao gồm: thuốc hạ sốt, các thuốc giúp giảm ho, long đờm. Người bệnh nếu đang dùng các thuốc điều trị bệnh lý khác cũng nên chuẩn bị sẵn.
Hàng ngày, F0 phải ghi lại những thông tin quan trọng như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp và SpO2 (nếu có). Những thông tin này nên được đánh giá tối thiểu 2 lần 1 ngày hoặc ngay khi có bất thường.
F0 cách ly tại nhà cần được giới hạn sinh hoạt trong một không gian riêng biệt, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng. Người bệnh chỉ nhận đồ vật hoặc thực phẩm gián tiếp từ người nhà, tuyệt đối không tiếp xúc gần với những người chăm sóc cũng như vật nuôi trong gia đình.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)