Việc thêm đường vào các món ăn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, sử dụng đường hay bất cứ các loại gia vị nào khác ngoài yếu tố ngon miệng cần phải chú ý đến vấn đề sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng đường trong nấu ăn, tránh lạm dụng.
Nhiều thực phẩm vốn đã chứa một lượng đường nhất định, nếu cho thêm đường sẽ gây ra thừa và làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Chia sẻ thông tin với Khám phá, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thói quen thắng đường để làm nước hàng tạo màu cho các món ăn sẽ không tốt cho sức khỏe. Bởi đường khi đun nóng ở nhiệt độ cao sẽ bị bẻ gẫy các phân tử có lợi, tạo ra chất oxy hóa gây hại cho cơ thể.
Với các món thịt, cá kho, người dân nên sử dụng các loại nước hàng bán sẵn được sản xuất bởi nhưng cơ sở đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Các sản phẩm này thường được nhà sản xuất tính toán để sử dụng với lượng thực phẩm nhất định, hạn chế việc dư thừa đường.
Lạm dụng đường trong nấu ăn có thể sinh ra nhiều bệnh. Ăn nhiều đường có thể dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư.
Tiêu thụ quá nhiều đường tạo gánh nắng cho gan do quá trình chuyển hóa đường thành lipid gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Thừa đường còn làm ảnh hưởng tới chức ănng của tuyến tụy, làm tăng lượng insulin trong máu. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tiêu đường.
Chúng ta không nên sử dụng quá 5 thìa đường/ngày. Tốt nhất nên dùng đường cát/đường nâu, mật ong thay cho đường tinh luyện. Bởi đường tinh luyện chứa hàm lượng đường cao hơn nhiều các loại đường khác và cung cấp nhiều năng lượng hơn.
100 gram đường tinh luyện chứa 99,3% đường, tương đương với 397 kcal. Trong khi đó, 100 gram đường cát, đường nâu chứa 94,6% là đường, lượng năng lượng là 383 kcal.
Theo Thanh Huyền (Khỏe & Đẹp)