Biến chứng nặng vì hiểu sai về đột quỵ
Vài tuần qua, số bệnh nhân chuyển vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu tăng 30% so với ngày thường, trung bình 35-50 ca/ngày. Trong đó, đa số bệnh nhân đều đến viện khi đã qua khung giờ vàng.
Đơn cử như trường hợp nam bệnh nhân 60 tuổi ở Thái Bình, được chuyển đến viện ở giờ thứ 26. Bệnh nhân vốn có tiền sử khỏe mạnh nên chủ quan, sau bữa ăn trưa đột ngột tê yếu nửa người trái.
Bệnh nhân nghĩ bị đột quỵ cần nằm bất động để não được nghỉ ngơi, tuy nhiên nằm hơn 1 ngày không đỡ nên ông bảo con đưa đến viện.
Hay trường hợp nữ bệnh nhân 60 tuổi ở Hà Nội, được chuyển vào viện sau hơn 1 ngày bị đột quỵ. Một buổi sáng khi dậy sớm chuẩn bị ra công viên tập thể dục, bà đột ngột thấy yếu nhẹ và tê bì nửa người phải, kèm méo miệng.
Phỏng đoán bị trúng gió, bà tự vào giường nghỉ ngơi. Cùng ngày, con gái gọi bác sĩ châm cứu đến điều trị, giúp bà tập luyện nhưng qua 24 giờ vẫn không cải thiện. Sau khi họp bàn, gia đình quyết định đưa bà đến bệnh viện.
PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, cả hai trường hợp nói trên đều đến viện quá muộn, lỡ mất thời gian vàng “cứu não” nên chịu cảnh tàn phế suốt đời.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 230.000 ca mắc mới đột quỵ, trong đó gần 50% số ca đột quỵ sẽ tử vong, 90% để lại di chứng do hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều đến viện khi đã qua khung giờ vàng.
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến trước 6 giờ tại nước ta trung bình chỉ khoảng 3,5%, riêng các bệnh viện lớn như Bạch Mai, tỷ lệ này ở mức 5-7%.
PGS Tôn cho biết, thời gian vàng để dùng thuốc tiêu sợi huyết là 4-5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ trong 6-8 giờ đầu, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ.
Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não “ra đi” và mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.
“Nếu đến viện càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Các triệu chứng cần nghĩ ngay tới đột quỵ là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt... Chúng ta không được phép để mất một giây phút nào nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo phương pháp dân gian truyền miệng”, PGS Tôn khuyến cáo.
Ba sai lầm cần bỏ ngay
PGS Tôn nhấn mạnh, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, không được cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả aspirin.
Aspirin có tác dụng làm loãng máu, song cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Bên cạnh thể nhồi máu não, đột quỵ còn do vỡ mạch máu não (thể xuất huyết não). Để xác định chính xác, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm cẩn trọng. Do đó, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc.
Thực tế, đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân tự ý cho bệnh nhân uống An cung ngưu hoàng hoàn khiến xuất huyết trầm trọng hơn, bệnh nhân rơi vào nguy kịch.
Thứ hai, bệnh nhân bị đột quỵ thường bị méo miệng, liệt một bên, rối loạn nuốt. Vì vậy không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì để tránh nghẹn, sặc đường thở dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, thậm chí tử vong.
Thứ ba, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện. Các triệu chứng đột quỵ não rất khó nhận biết ngay từ đầu khiến người bệnh chủ quan. Nếu tiếp tục vận động mạnh, bệnh nhân có thể bị ngã, bệnh nặng thêm.
Khi phát hiện người đột quỵ, cần đảm bảo thông thoáng đường thở, nếu có răng giả nên tháo ra, kiểm tra xem trong miệng có đờm dãi hay không, nếu có cần lấy sạch và để bệnh nhân nằm nghiêng nhằm tránh sặc và giúp lưu lượng máu đến não tốt hơn.
Người dân nên tránh các biện pháp xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu. Tốt nhất gọi ngay cấp cứu 115 để chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Lưu ý, khi gọi 115 cần nói rõ nghi ngờ bệnh nhân bị “đột quỵ não”. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
Trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng không. Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: Thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích cho bác sĩ điều trị.
Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao.
Khi bệnh nhân bất tỉnh, nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hô hấp nhân tạo để hồi sinh tim phổi. Cố gắng giữ bình tĩnh thực hiện hà hơi thổi ngạt và ép tim cho bệnh nhân trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)