Khi niềm tin mù quáng của cha mẹ "anti vaccine" từ chối tiêm chủng cho con dẫn đến những cái kết đau lòng
Dựa trên báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số liệu đưa trên Bloomberg cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn 2,3 triệu người mắc bệnh sởi trên toàn cầu. Theo trang Bloomberg, dịch sởi đang lây lan nhanh ở một số nước châu Á và châu Âu, một số nước ở châu Phi và Trung Đông. Ngay cả Mỹ, quốc gia có nền y tế tiên tiến cũng phải lo sợ trước đại dịch sởi.
Theo WHO, trong năm qua, đã có khoảng 82.600 người tại 47 quốc gia châu Âu được thống kê (dân số gần 900 triệu người) đã mắc bệnh sởi. Đây được xem là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Và trong số đó đã có 72 trường hợp đã tử vong.
Không chỉ với bệnh sởi, năm 2018, một số quốc gia châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ phát triển bệnh do sai lầm của người dân tin rằng việc tiêm chủng là không cần thiết. Đơn cử rõ nhất là bệnh ho gà.
Từ những năm 1980 trở lại đây, bệnh ho gà dường như đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Số lượng các ca mắc bệnh đang gia tăng nhanh trong vài năm qua, đặc biệt là ở Mỹ.Theo một bài báo được đăng trên Tạp chí các bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng cho thấy, bệnh ho gà có tính chu kỳ tự nhiên và thời gian lặp lại thường từ 3 - 5 năm/lần. Nhưng trong một vài thập kỷ qua, chu kỳ này dường như được rút ngắn hơn và số lượng các trường hợp mắc bệnh cũng gia tăng đáng kể.
Một số người cho rằng, nguyên nhân của điều này là do nhiều bậc cha mẹ đã quyết định không tiêm chủng cho con mình vì lo sợ những rủi ro và các phản ứng phụ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các vấn đề về vaccine cũng có thể là yếu tố gây nên điều này, theo đó bất cứ ai đã tiêm chủng trên 12 năm đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh do vấn đề về miễn dịch. Điều này cũng giải thích lý do vì sao ngày càng có nhiều người lớn bị ho gà, mặc dù đã tiêm chủng.
Trong lịch sử, một vụ lùm xùm tương tự đã từng diễn ra tại Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19, khi dịch bệnh Đậu mùa ở Mỹ dẫn tới các chiến dịch tiêm vắc xin, và vì thế hoạt động chống lại vắc xin cũng nổi lên. Một nhóm các nhà hoạt động chống tiêm chủng nhân danh nhân quyền đã đệ đơn lên tòa án để bãi bỏ luật tiêm vắc xin ở một số bang như California, Illinois, và Wisconsin. Nhưng dịch đậu mùa hoành hành khiến chính quyền yêu cầu mọi cư dân thành phố phải được tiêm ngừa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêm vắc-xin giúp loài người ngăn ngừa đến 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Sẽ có thêm 1,5 triệu ca tử vong khác được ngăn ngừa nếu tình trạng vi phạm khuyến cáo tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Đó là sự do dự trước vắc-xin, hay theo cách gọi thông dụng là phong trào anti vắc-xin. "Sự do dự đối với vắc-xin – miễn cưỡng hoặc từ chối dù có sẵn vắc-xin – đe dọa đảo ngược tiến trình giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin." – WHO nhận định.
Năm 1796 khi vaccine thủy đậu được phát minh, nó đã trở thành một cuộc cách mạng y học thực sự. Kể từ đó nhiều loại vaccine đã được điều chế, đẩy lùi hàng loạt căn bệnh từng được cho là "thần chết" như dịch hạch, sởi, quai bị... và cứu sống hàng triệu người trên thế giới.
Thế nhưng, trong suốt thế kỉ thứ 19 đến nay, phong trào anti vaccine lan rộng bất chấp thành tựu vĩ đại của nó mang đến cho nhân loại. Về cơ bản, nhóm anti-vaccine chỉ dựa vào bằng chứng giả là một nghiên cứu của cựu bác sĩ người Anh Andrew Wakefield, xuất bản trên tạp chí Y khoa Lancet năm 1998 để công kích vaccine. Nghiên cứu đó nói rằng vắc-xin MMR có liên quan đến chứng tự kỷ ở trẻ. Bởi thế nhóm anti vaccine lập luận rằng đó là lý do việc tiêm vắc-xin là điều không cần thiết. Và mục tiêu của nhóm anti vắc-xin hay là nói không với vắc-xin" là lôi kéo được càng nhiều người càng tốt.
Phương pháp tuyên truyền của nhóm anti-vaccine thay đổi theo năm tháng. Ngày nay, họ dùng mạng xã hội và Internet nói chung để "truyền bá" tư tưởng của mình. Họ không bao giờ nhắc tới thành tựu vĩ đại như: dập tắt dịch bệnh, đẩy lùi dịch bệnh... mà vaccine mang lại cho nhân loại.
Và hậu quả của các sự việc anti vaccine họ cũng không bao giờ nhắc tới như sự việc tại Anh năm 1974, tranh cãi về các phản ứng phụ của vắcxin khiến việc tiêm chủng buộc phải tạm dừng. Và kết quả tai hại là dịch bệnh đã xảy ra trên 100.000 trẻ, gây ra cái chết cho 31 trẻ.
Năm 1975 tại Nhật, khi tạm ngưng tiêm vắcxin ho gà toàn tế bào để điều tra trường hợp tử vong, dịch bệnh đã xảy ra trên 13.000 trẻ, trong đó 113 trẻ tử vong.
Dịch sởi tại Mỹ, dịch bạch hầu tại Lào bùng phát gần đây cũng vì nguyên nhân phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh.
Tại Việt Nam, hẳn nhiều người vẫn chưa quên bài học đau đớn về dịch sởi năm 2014, dịch bạch hầu năm 2015 khiến 3 người chết đều do không tiêm chủng. Và bệnh ho gà (một trong những bệnh có thể gây tử vong ở trẻ), mà Việt Nam từng khống chế tốt đang quay trở lại.
Hay như một người phụ nữ giấu tên có 2 con, bé gái đầu lòng và bé trai mới 2 tháng tuổi. Con trai cô vừa bị lây bệnh ho gà từ chị gái - cô bé không được tiêm vắc-xin. Nhưng thay vì bày tỏ sự hối hận đã để con đối mặt với nguy hiểm, người mẹ vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình dù cô bị chỉ trích rất nhiều khi ở bệnh viện.
Trên facebook, người mẹ viết: "Tất cả chúng ta đều muốn tốt cho con. Tôi là một người mẹ đã không tiêm vắc-xin cho con. Con trai tôi hiện 2 tháng tuổi. Lúc này, tôi đang ở viện chăm con. Cháu bị ho gà và bác sĩ nói với tôi rằng, con trai tôi lây bệnh từ chị gái. Tôi đã không cho con gái tiêm vắc-xin. Tôi đã bị chỉ trích cả ngày rồi nhưng vẫn kiên định với niềm tin của mình. Có ai có con bị bệnh nguy hiểm vì anti vắc-xin không? Làm ơn hãy để lại bình luận. Con tôi đang bệnh rất nặng và thật khủng khiếp khi phải nhìn con như thế. Tôi cần đôi lời động viên rằng tôi đã làm đúng".
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, dù tác dụng của vắc-xin đã được công nhận và phổ biến rất rộng rãi nhưng những thành phần phủ nhận vai trò của nó vẫn còn không nhỏ. Núp dưới bóng dáng các tổ chức, hội nhóm, đặc biệt là hoạt động mạnh trên các mạng xã hội, dường như những người có niềm tin bất diệt vào điều này ngày càng muốn "bành trướng" ảnh hưởng của mình.
Theo Bloomberg, các thông tin khuyến khích mọi người không tiêm vắc-xin cho trẻ em được lan truyền trên Facebook, đặc biệt trong các nhóm, có thể là một nguyên nhân dẫn đến dịch sởi gia tăng. Cuộc khủng hoảng đã khiến đại diện Đảng Dân chủ Mỹ Adam Schiff chú ý và gửi thư đến CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Google Sundar Pichai, yêu cầu họ giải quyết vấn đề. Và trước sức ép của các nhà lập pháp, Facebook cho biết đang tìm cách xóa nội dung anti vắc-xin khỏi mạng xã hội này.
Theo Bloomberg, các thông tin khuyến khích mọi người không tiêm vắc-xin cho trẻ em được lan truyền trên Facebook, đặc biệt trong các nhóm, có thể là một nguyên nhân dẫn đến dịch sởi gia tăng.
Những người truyền bá "anti vắc-xin" đã ở đâu trước dịch bệnh lan tràn và người phải chịu hậu quả cuối cùng
Một đợt bùng phát bệnh sởi đáng báo động đang lan tràn khắp châu Âu gây ra rất nhiều lo lắng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 41.000 trường hợp mắc bệnh, gần gấp đôi so với con số của toàn bộ năm 2017. Đây cũng là đợt dịch đỉnh điểm với nhiều người mắc bệnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Có lẽ rất nhiều người sẽ giận dữ khi biết được nguyên nhân của ổ dịch là gì. Đúng vậy, nó là do phong trào "anti-vaccine" (chống tiêm chủng) ở Châu Âu. Để có thể ngăn ngừa dịch sởi bùng phát, phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng ở một số khu vực ở Châu Âu đã giảm xuống dưới 70%.
"Đây là nhân tố chính dẫn đến sự bùng nổ dịch bệnh", Anca Paduraru thuộc Ủy ban châu Âu tại Brussels nói. "Thật không thể chấp nhận được điều này ở thế kỷ 21, sởi đáng ra đã phải bị xóa sổ".
Theo các chuyên gia ở Mỹ, đó cũng sẽ là điều mà nước Mỹ phải đối mặt nếu các bậc cha mẹ không cho con cái mình đi tiêm chủng. "Chúng ta có một tình huống rất nghiêm trọng", bác sĩ nhi khoa Alberto Villani đến từ Bệnh viện Nhi Bambino Gesù, chủ tịch Hội Nhi khoa Italia nói với NBC.
Rõ ràng hiệu quả của vắc-xin trong phòng ngừa bệnh được các tổ chức y tế thế giới thừa nhận. Nó không chỉ là cứu sống tính mạng con người mà bên cạnh đó còn tiết kiệm kinh tế cho các quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho vắc xin MMR thì tiết kiệm được 21 USD.
Và trong khi ngành y học đang cố gắng tìm ra các giải pháp phòng bệnh thì nhiều phụ huynh đã từ chối vắc-xin, bệnh sởi, quai bị và các bệnh khác bắt đầu trở lại ở đây và ở các quốc gia khác cũng bị cuốn vào tình trạng vô nghĩa mang tên anti vaccine.
Ý tưởng rằng việc mắc các bệnh truyền nhiễm giúp người ta có được khả năng miễn dịch tự nhiên, trái ngược với khả năng miễn dịch không tự nhiên, được cung cấp bởi vắc-xin là một lời nói dối nguy hiểm.
Nói một cách đơn giản, sự thiếu hiểu biết như vậy khiến tất cả trẻ em của chúng ta gặp nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả những người đã theo phong trào này cũng rơi vào hoàn cảnh lúng túng khi không biết phải làm sao để cứu con mình trước nguy cơ dịch bệnh.
Một bà mẹ đã tham gia một nhóm Facebook chống vắc-xin để hỏi ý kiến về cách bảo vệ con gái khỏi dịch sởi đang bị chế giễu trên mạng. "Vậy làm thế nào để con tôi có thể chống lại bệnh sởi khi không được tiêm phòng vắc-xin"?
Ảnh chụp màn hình về câu hỏi của người mẹ giấu tên "tìm kiếm khuyến nghị" trong trang Facebook Cộng đồng Anti-Vaxx của Sức khỏe Tự nhiên đã được nhà văn Jon Christian chụp lại và tải lên Twitter.
Trong bài đăng của mình trên trang này, người mẹ nói: "Đứa con 3 tuổi của tôi chưa được tiêm phòng và hiện đang có dịch sởi ở bang. Mọi đề xuất về biện pháp phòng ngừa tôi có thể thực hiện để bảo vệ bé khiến tôi vô cùng biết ơn".
Nhiều người đã lên phương tiện truyền thông xã hội để chế giễu người mẹ vì đã chuyển sang một nhóm anti vaccine, trong khi tiêm vắc-xin sởi có thể bảo vệ con gái khỏi dịch bệnh rất an toàn và hiệu quả như giáo sư nghiên cứu y tế và luật của Đại học Stanford, Michelle Mello, nói với Futurance.
Có người đã không ngần ngại bày tỏ thái độ phản ứng trước sự việc này như sau: "Ước gì có một phép màu giúp cô ấy có thể làm để bảo vệ con mình" hay là "nên cách ly cô ở một hòn đảo cách xa nền văn minh hiện đại".
Có thể thấy, rất nhiều người a dua theo phong trào anti vắc-xin thực chất không hiểu vấn đề và điều này là vô cùng nguy hiểm. Và họ ở đâu trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh? Thực tế, họ không đứng ngoài mà chính họ lại là thành phần góp phần đẩy dịch bệnh đi xa hơn.
Bài đăng này một lần nữa khấy động cuộc tranh luận anti vaccine trong hiện tại. Nhiều người nghi ngại không hiểu những người quyết không tiêm vắc-xin cho con làm thế nào có thể giúp con tồn tại với nhiều dịch bệnh? Một ý kiến bày tỏ nhận định rõ ràng: "Con tôi hoàn toàn thay đổi khi chúng được tiêm vắc-xin, cụ thể là có khả năng miễn dịch tốt hơn với những bệnh có thể phòng ngừa".
Thế nhưng, dù nói gì đi nữa thì hậu quả cuối cũng vẫn là khó cứu vãn và nạn nhân chính là những người không được tiêm vắc-xin vì những tin tưởng mù quáng.
Khi các bệnh truyền nhiễm đe dọa xuất hiện trở lại, chúng ta cần tiêm phòng nhiều hơn. Chúng ta có thể loại bỏ bệnh sởi, giảm đáng kể ung thư cổ tử cung và cứu hàng chục ngàn người tử vong do cúm nếu tất cả người Mỹ ngừng tin vào những gì họ đọc trên Twitter và Facebook. Thay vào đó, họ nên lắng nghe các bác sĩ nhi khoa, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, chuyên gia y tế công cộng và các nhà miễn dịch học biết sự thật về sự an toàn và giá trị của vắc-xin.
Theo HN (Helino)