Vài lời của tác giả:
Thời gian qua, một trong những phong trào xưa cũ là phản đối vắc-xin (antivax) lại tái sinh trở lại.
Một trong những chiến thuật được các bạn antivax dùng nhiều nhất là đánh vào cảm xúc bằng những câu chuyện. Họ kể những trường hợp tai biến mà họ cho rằng do vaccine gây ra, nhằm khơi gợi thương cảm và từ đó che mờ lý trí của người đọc khiến không phân định nổi đúng sai.
Họ cũng có đầy đủ sự lưu manh và ngu dốt khi dịch bài chỉ dịch phân nửa, đưa ra bằng chứng cũng chỉ là những bằng chứng phân nửa để đánh lừa người đọc. Chưa kể vô vàn những sai sót cơ bản về thuật ngữ khoa học và kiến thức y khoa cơ bản mà một bác sĩ có thể dễ dàng vạch mặt.
Tôi rất thích viết. Trước khi viết về vaccine, tôi cũng thường hay viết về những câu chuyện, những suy nghĩ bâng quơ, những dòng cảm xúc tản mạn trong những tháng ngày bôn ba lặn lội xứ người. Nhưng đó là những điều thuộc về cuộc đời tôi mà tôi biết chắc rằng chúng có thật. Và tôi cũng chỉ share với bạn bè mình, là những người tôi biết chắc họ tin rằng chúng có thật mà không đòi hỏi tôi phải chứng minh điều gì cả.
Nhưng khi bắt đầu viết về vaccine, tôi chỉ dùng những con số, những sự kiện lịch sử có thật, những nghiên cứu khoa học. Đó là những thứ đã được cộng đồng khoa học cùng các chuyên gia trên thế giới chứng minh rằng chúng có thật giúp tôi rồi.
Hôm nay tôi lại đổi cách viết. Bắt chước các bạn antivax, hôm nay tôi sẽ kể chuyện để các bạn hiểu vì sao tôi cứ viết hoài về những tác hại của "phong trào antivax". Đây là những câu chuyện lãng đãng trong ký ức được lấy từ hơn 10 năm duyên nợ của tôi với ngành Y trước khi tôi cởi bỏ cái áo blouse trắng để lại Việt Nam và lên đường sang Mỹ. Cách đây cũng tròm trèm 7, 8 năm trời.
Những nạn nhân khốn khổ của nạn anti vaccine
Người con gái bị viêm não màng não
Cách đây hơn 15 năm, lúc còn là cậu sinh viên Y mới tinh chưa vướng bụi trần ai, tôi có dịp đi thực tập ở bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Khi đi thực tập bệnh viện quá nhiều, nhất là vào những khu chăm sóc đặc biệt, bạn sẽ thấy hình ảnh những bệnh nhân thở máy, hôn mê rất quen thuộc, không có gì đặc biệt. Nhưng có một bệnh nhân thu hút sự chú ý của tôi.
Em đẹp. Rất đẹp. Nếu đứng thẳng có lẽ tôi cũng không cao hơn em là mấy. Khuôn mặt trái xoan thanh thoát với hàng lông mi rậm. Mái tóc dài mà khi bình thường có lẽ sẽ được xõa ngang lưng. Da em trắng ngần.
Nhưng em nằm đó, bất động, vô tri, vô giác, với đủ thứ dây nhợ cắm quanh người. Chiếc mặt nạ của máy thở phủ gần kín khuôn mặt.
Tôi tò mò lục hồ sơ bệnh án của em thì biết em chỉ nhỏ hơn tôi có một, hai tuổi. Và chẩn đoán của em là "Viêm não màng não".
Cứ mỗi lần đi ngang qua giường em nằm, tôi lại thấy tim mình nhói lên một cái. Bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu của cậu sinh viên chưa kịp hiểu đời. Tại sao vậy? Em còn cả một tương lai phía trước mà.
Hôm nay, mình đi trực về, mình sẽ được ăn cơm mẹ nấu, được đi lang thang phố phường với đám bạn, được hẹn hò với người yêu, được xem phim, nghe nhạc, đọc sách, được ngủ trong chăn êm nệm ấm. Và hơn hết tất cả, một tương lai, một cuộc đời phía trước đang chờ mình khám phá.
Tại sao em lại nằm đó? TẠI SAO VẬY? Bốn chữ "viêm não màng não" đơn giản trong bệnh án đó lại có quyền lực ghê gớm đến mức trở thành bản án tử cho em sao?
Có những lúc tôi không dám nhìn thẳng vào nơi em nằm.
Rồi trong một đêm trực nọ. Lúc đang lục hồ sơ bệnh án để chuẩn bị ngày mai trình, tôi nghe tiếng chạy rầm rập của các anh chị trong tua trực ở bên ngoài.
Tò mò bước ra, tôi nhìn thấy tất cả mọi người đang tập trung quanh giường em, ai cũng hối hả khẩn trương. Người thay nhau xoa bóp tim ngoài lồng ngực, làm hô hấp nhân tạo cho em. Kẻ chạy đi tìm máy sốc tim. Thấy tôi đứng xớ rớ bên ngoài, các anh chị vẫy vào hỏi biết làm không rồi cho tôi vào thay thế.
Chưa bao giờ tôi thấy mình làm việc gì nhiệt thành đến thế. Tôi dùng hết sức mình để nhấn theo hiệu lệnh của các anh chị. Nhấn. Nhấn. Nhấn.
Phòng cấp cứu mở máy lạnh tối đa mà mồ hôi tôi tuôn như tắm. Tôi vừa nhấn máy sốc tim vừa cầu nguyện. Trước đó và sau này, chưa bao giờ tôi cầu nguyện. Đó là lần duy nhất. Tôi cầu Chúa, Phật, và tất cả những thế lực vô hình nếu có, chỉ duy nhất một điều thôi: làm sao cho em sống lại!
Quyền năng của Thần Chết
Nhưng tôi không nhìn thấy Chúa, cũng chẳng thấy Phật. Tôi chỉ thấy có mỗi Thần Chết đang đứng bên kia giường khoanh tay nhếch mép cười khinh bỉ. Lão cười trước sự tuyệt vọng và cay đắng của tên đệ tử mới học việc của Hippocrates lần đầu tiên nếm được quyền năng của lão.
Khi buông em ra, tôi thấy tay chân mình rã rời còn đầu óc chẳng muốn nghĩ gì nữa. Cả ngày sau đó, cả tuần sau đó điều duy nhất tôi nghĩ đến là em.
Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được quyền năng khủng khiếp của thần chết. Đó là lần đầu tiên tôi thấy được thân phận con người bé nhỏ như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi tuyệt vọng khi thấy một sự sống trôi tuột khỏi tay mình không cách nào níu giữ được.
Bởi vậy bạn đừng hỏi vì sao tôi lại cứ cắm cúi viết cho đến tận bây giờ.
Khi tôi nhìn thấy những bài viết rác rưởi của nhóm antivax có đến hơn 5 nghìn lượt share hồi năm ngoái, tôi nhẩm tính: nếu 5 nghìn lượt người share này là 5 nghìn người sẽ không tiêm phòng cho con mình rồi mỗi người sẽ tác động thêm một người nữa thôi thì ta sẽ có hơn 10 nghìn đứa trẻ không được tiêm phòng.
Trời ơi!
Biến chứng của sởi tuy hiếm nhưng số người bị nhiễm tăng thì khả năng bị biến chứng cũng tăng theo. Biến chứng thần kinh thường gặp nhất của sởi là viêm não. Cứ 1.000 người bị sởi sẽ có từ 1 đến 3 người bị viêm não nguyên phát xảy ra trong giai đoạn phát ban và có 10% đến 15% trong số đó tử vong, 25% số người bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Cái chết đến với những người bị viêm não là do khi bị viêm, não sẽ sưng nề và to ra. Tuy vậy, não được chứa và bảo vệ bên trong hộp sọ vốn là một hộp xương rất cứng chắc nên không thể phình to ra theo nó được. Kết quả là nó sẽ nén phần thân não bên dưới. Thân não là vùng não chỉ huy những hoạt động duy trì sự sống còn cho cả cơ thể, trong đó bao gồm cả hoạt động hít thở và lưu thông máu. Khi bị đè ép quá mức nó sẽ ngừng hoạt động.
Một "thủ lĩnh" của nhóm antivax nói khi anh ta nhìn thấy danh sách những tai biến do vaccine gây ra, anh ta phải chửi thề trong đêm. Vậy thì tôi phải cần bao nhiêu tiếng chửi thề mới đủ diễn tả cảm xúc của mình khi nhìn thấy số lượt share bài viết của anh ta và nhớ về em đây?
BS.Minh Lê - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM (2009 - 2012)
Theo B.S Minh Lê (Trí Thức Trẻ)