Ăn cũng là thuốc
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lưu hành trong cộng đồng do vậy tốt cả mọi người, đặc biệt là người già cần phải lưu ý nâng cao sức khoẻ.
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong đại dịch Covid-19 có nhiều phương thức để nâng cao sức khoẻ:
Thứ nhất: Là ăn, việc đảm bảo dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng để có một sức khỏe tốt. Với người cao tuổi thể trạng gầy yếu lưu ý cần phải tăng cân để có đủ khỏe để chống lại Covid-19 và các loại virus, vi khuẩn khác.
Muốn tăng cân người cao tuổi cần phải tăng cường năng lượng trong các bữa ăn hàng ngày. Ví dụ như: cơm, cháo, súp, bún, miến phở, sữa. Nếu người cao tuổi không ăn được có thể uống thêm sữa để tăng cường thêm dinh dưỡng.
Bác sĩ Thanh cho biết: "Để tăng cường dinh dưỡng, cách ăn rất quan trọng. Nên có những bữa ăn vui vẻ, bày biện hấp dẫn. Môi trường ăn có thể có tiếng nhạc sẽ giúp người cao tuổi muốn được ăn.
Tôi vẫn khuyên các bệnh nhân của mình ăn chính là thuốc. Và thuốc này dễ và tự nhiên, không tốn tiền, không hại sức khoẻ. Cho nên không dại gì mà lại bỏ qua loại thuốc quý này".
Đối với những trường hợp người cao tuổi ăn ít thì cần phải tăng cường số lượng bữa ăn để đảm đảm đủ nhu cầu dinh dưỡng trong ngày.
Bác sĩ Thanh lưu ý thêm, đối với người cao tuổi thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa thì lại cần phải ăn ít. Và nhân cơ hội này nên giảm cân để đảm bảo sức khoẻ. Do qua thực tế trong đợt dịch 4 cho thấy bệnh Covid-19 thường nặng ở người thừa cân, béo phì.
"Khi bụng to việc hít thở sẽ rất khó, mắc Covid-19 sẽ gây ra tình trạng khó thở sẽ tăng hơn. Do vậy, người thừa cân cần phải giảm béo, nhưng tuyệt đối không bỏ ăn. Chỉ nên giảm lượng ăn để giảm cân. Đây là cách tốt để chống lại Covid-19", bác sĩ Thah nói.
Đối với người đái tháo đường trong ăn uống cũng phải kiểm soát đường huyết tốt. Việc kiểm soát đường huyết sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể tránh khỏi nguy cơ xâm nhập của virus.
Uống đủ nước cũng là thuốc
Bác sĩ Thanh cho biết: "Bên cạnh, việc ăn đủ và vừa thì uống nước cũng rất quan trọng cho sức khoẻ. Người Nhật Bản coi việc uống nước như một phương thuốc chữa bệnh. Vì các chất thải trong cơ thể sẽ được đưa ra bên ngoài theo đường tiểu, mồ hôi.
Uống đủ nước còn giúp việc lưu chuyển các chất trong cơ thể hoạt động tốt đúng theo sinh lý. Do người già không có cảm giác khát vì vậy cần phải uống nước liên tục 1,5lít/ngày".
Lưu ý tránh uống các chất kích thích vì uống các chất kích thích sẽ làm cho người khô, nhịp tim tăng lên. Đặc biệt rượu người cao tuổi Việt thường hay uống rượu. Uống rượu nhiều sẽ hại cho gan, mất nước.
Ngoài ăn uống thì người cao tuổi cần phải duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày. Lưu ý, tập lượng sức mình không nên tập căng sức. Với người sức khỏe yếu chỉ cần đi lại nhẹ nhàng, đứng lên ngồi xuống, dùng xe, lan, xe đẩy di chuyển nhiều càng tốt. Đối với nằm liệt có thể tập thụ động tự co tay chân, lăn, trở… Đối với người khó đi lại có thể dùng các bài tập tại chỗ để cho các nhóm cơ tốt lên.
"Việc tập luyện sẽ giúp cho các nhóm cơ tốt lên sẽ hạn chế được nguy cơ ngã. Tập luyện cũng là liều thuốc cơ thể vui tươi", bác sĩ Thanh nói.
Ăn – uống – tập và dùng thuốc nếu có bệnh lý mãn tính sẽ giúp cho người cao tuổi có sức khỏe tốt vượt qua mùa dịch, tránh nhiễm các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm khác.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)