Bệnh nhân đã vào khám và điều trị tại trạm y tế trên địa bàn nhưng không đỡ. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục xuất hiện tình trạng đau đầu nhiều, giảm nhận thức nên được chuyển đến Bệnh viện 103 điều trị.
Tại đây, bệnh nhân này được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị theo phác đồ và đã hồi phục.
Qua đây, bác sĩ cảnh báo với những ai khoái khẩu món tiết canh lòng lợn về hiểm họa liên cầu tiềm ẩn. Liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, có khả năng gây bệnh cho lợn và người nên được xếp vào nhóm bệnh chung của người và động vật.
Bệnh thường xảy ra vào mùa hè nắng nóng, ở nam giới, những người tiếp xúc với lợn hay thịt lợn bệnh. Bệnh lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.
Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não, nặng hơn có thể sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu.
Để phòng bệnh, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo thịt lợn phải được nấu chín > 70 độ. Không ăn các món tái đặc biệt là tiết canh.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống, tái. Giữ các vật dụng chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc chế biến thịt lợn. Dùng các dụng cụ riêng để chế biến thịt sống và chín…Đó là những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả.
PN (Nguoiduatin.vn)