Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), chưa có bằng chứng virus lây trực tiếp qua việc ăn thực phẩm, kể cả ăn thức ăn sống như trái cây.
Virus có thể tồn tại trên bề mặt tiếp xúc của bao bì thực phẩm, các mặt phẳng khác có liên quan ví dụ tay nắm cửa, mặt bàn, mặt bếp… Sau đó lây cho người khác thông qua việc người đó cầm nắm vào bao bì và đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng của mình. Chứ virus hoàn toàn không lây thông qua cơ chế dính lên thức ăn và ăn vào miệng thì phát tán virus.
Virus là vật thể cần vật chủ ký sinh để tồn tại và phát triển, do đó, khi tồn tại trên bề mặt bao bì nói chung thì khả năng sống sót thấp. Trên thực tế thì đường lây này không chiếm tỉ lệ cao.
Do đó biện pháp phòng lây nhiễm trong trường hợp liên quan đến thực phẩm là sau khi cầm nắm bao bì thực phẩm khi đi chợ về hay khi nhận bao bì từ người giao thì tháo bỏ bao bì và sát khuẩn tay.
Sau đó sát khuẩn các bề mặt liên quan như tay nắm cửa, mặt bàn, mặt bếp có dính hay liên quan đến bao bì hoặc việc đi chợ về. Tuyệt đối không xịt dung dịch sát khuẩn trực tiếp vào bao bì thực phẩm, không xịt thuốc sát khuẩn trực tiếp lên thực phẩm và cũng không cần phải đun nóng hâm thực phẩm gì cả.
Còn các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cứ làm như từ trước đến giờ. Trước khi chế biến hoặc ăn thức ăn, quan trọng là phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong 20 giây để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung. Trong ngày, hãy rửa tay sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, hoặc đi vệ sinh.
Luôn xử lý và chế biến thực phẩm một cách an toàn, bao gồm giữ thịt sống tách biệt với các thực phẩm khác, bảo quản thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh và nấu chín hoàn toàn thịt để tiêu diệt vi trùng có hại.
TS.BS Trần Quốc Cường (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM)
Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị