Ăn thịt bò tái có tốt không? Sau khi đọc về trường hợp bệnh nhân này, chắc chắn bạn sẽ có kế hoạch ăn uống lành mạnh hơn cho mình.
Bác sĩ Tiêu Mộ Kỳ, khoa ngoại, công tác tại phòng khám Aphrodite medical clinic, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân nam (28 tuổi) là người ngoại quốc đến Đài Loan làm việc và đi khám bệnh sau khi hoàn thành thủ tục cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định phòng dịch.
Được biết, trước khi đến Đài Loan làm việc, bệnh nhân thường xuất hiện dấu hiệu đau bụng và cơn đau đã kéo dài nửa năm. Khi bác sĩ Tiêu tiến hành nội soi dạ dày cho bệnh nhân thì phát hiện ký sinh trùng có 3 đốt dài như sợi mỳ.
Khi bác sĩ Tiêu thực hiện thao tác gắp ký sinh trùng ra khỏi cơ thể người bệnh thì ký sinh trùng không ngừng nhúc nhích và tự đứt làm một nửa sau đó biến mất nhanh chóng.
Bác sĩ Tiêu giải thích, ký sinh trùng bệnh nhân mắc phải chính là sán dây bò, thường sống ký sinh ở ruột non của người bệnh và có thể dài đến vài mét. Sán dây bò có thể tự sinh sản và phát triển theo từng đốt sán. Từ kết quả nội soi cho thấy, sán dây bò trong ruột của bệnh nhân đã đứt thành từng đoạn và di chuyển đến hậu môn, chuẩn bị cho quá trình đào thải ra ngoài để tìm vật chủ ký sinh mới.
Bác sĩ Tiêu đã gắp 2 đốt sán ra khỏi cơ thể bệnh nhân và thả vào nước, ký sinh trùng ngoe nguẩy như đuôi cá đong đưa sang hai phía khiến bác sĩ rùng mình, bảo: "Đốt sán này không phải là phần thân chính của sán dây bò".
Sau đó, bệnh nhân nam đã được chuyển đến khoa truyền nhiễm để uống thuốc và đào thải ký sinh trùng ra ngoài. Bác sĩ Tiêu phán đoán do bệnh nhân thích ăn thịt bò tái hoặc thịt bò chưa nấu chín nên mới dẫn đến tình trạng nhiễm sán dây bò sinh sôi và phát triển trong cơ thể.
Bác sĩ Tiêu cảnh báo, để tránh bệnh nhiễm ký sinh trùng, mọi người nên hạn chế ăn thịt tái. Thịt lợn và thịt bò cần phải được nấu chín và tránh ăn cá nước ngọt sống hoặc chưa nấu chín. Bác sĩ Tiêu cũng dẫn chứng trường hợp từng gặp một bệnh nhân thích ăn sashimi cá nước ngọt và dẫn đến tình trạng toàn bộ túi mật đều là sán lá gan. Ngoài ra, bác sĩ Tiêu khuyến cáo trẻ nhỏ có dạ dày chưa phát triển hoàn thiện và người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu không nên ăn thịt tái hoặc thịt chưa nấu chín để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Sán dây bò (Taenia saginata) là một trong 3 loại sán thuộc chi Taenia ở Việt Nam. Sán dây bò lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Về hình thể, sán dây bò có thể ở dạng: Sán dây bò trưởng thành, trứng, nang ấu trùng.
Khi trâu, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ đi vào ruột, nở ra ấu trùng, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là "Gạo bò" (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
Bệnh sán dây bò gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
Khi người ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng vào ruột người. Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá...
Một số trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.
Theo Tú Uyên (Pháp luật & Bạn đọc)