Ớt được sử dụng thường xuyên trong chế độ ăn của người dân sống tại khu vực Địa Trung Hải, bên cạnh trái cây, rau, đậu, quả hạch, hạt, toàn bộ ngũ cốc, dầu ô liu, cá, thịt gia cầm, trứng và rượu vang.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 22.811 đàn ông và phụ nữ sống ở vùng Molise của Italia từ năm 2005 đến năm 2010. Những người tham gia được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi về mức tiêu thụ thực phẩm của họ trong suốt nghiên cứu và được đặt vào các nhóm khác nhau tùy thuộc vào tần suất họ ăn ớt.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người tiêu thụ ớt ít nhất 4 lần/tuần có nguy cơ tử vong thấp hơn 23% so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn ớt. Ngoài ra, nhóm người này có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 44% và khả năng tử vong do bệnh xơ vữa động mạch thấp hơn 61%.
Một số nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng capsaicin - chất tạo vị cay cho ớt, có thể có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, mặc dù nghiên cứu mới này có kết quả đầy hứa hẹn, nhóm các nhà khoa học cần có thêm nghiên cứu bổ sung để đưa ra kết luận chắc chắn về lợi ích sức khỏe của chất capsaicin, đặc biệt vì nghiên cứu này mới chỉ dựa vào phương pháp quan sát.
"Nghiên cứu có thể gợi mở rằng đây là cách mà ớt được sử dụng như một phần của chế độ ăn uống và lối sống tổng thể. Ngoài ớt, những người tham gia cũng sử dụng nhiều loại thảo mộc và gia vị hơn, và như vậy họ có khả năng ăn nhiều thực phẩm tươi hơn bao gồm cả rau", Duane Mellor, một chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên cao cấp tại Trường Y khoa Aston ở Anh, cho biết.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu vẫn khuyên mọi người nên thêm ớt vào chế độ ăn nếu họ thích hương vị này.
"Chúng tôi có thể khuyến khích những người thường ăn ớt nên giữ thói quen này bởi bằng chứng có lợi nhờ nghiên cứu. Điều độ là một đặc điểm quan trọng của chế độ ăn ở khu vực Địa Trung Hải. Nếu mọi người không thích ớt, tốt, họ chỉ cần tuân theo chế độ ăn lành mạnh", theo nhóm nghiên cứu.
Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)