Tại sao ăn nhiều đường lại có hại cho sức khỏe?
"Một số nghiên cứu sơ bộ đã gợi ý rằng chế độ ăn nhiều đường làm tăng lượng đường trong máu của bạn, làm tăng các gốc tự do và các hợp chất làm tăng viêm. Theo thời gian, tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tiểu đường, và thậm chí có thể dẫn tới các bệnh nan y như ung thư và bệnh mãn tính như bệnh tim", chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận tại Mỹ, Brigitte Zeitlin, cho biết.
Đường là thành phần tồi tệ nhất trong chế độ ăn uống hiện đại. Nó có thể gây hại cho quá trình trao đổi chất và góp phần gây ra tất cả các loại bệnh nguy hiểm. Bản thân đường không chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu, nó là thực phẩm "calo rỗng", không hề có protein, chất béo thiết yếu, vitamin hoặc khoáng chất... chỉ có năng lượng thuần túy nên khi bạn ăn lên đến 10-20% lượng calo là đường (hoặc nhiều hơn), điều này có thể khiến bạn thiếu hụt chất dinh dưỡng trầm trọng.
Bên cạnh đó, tiêu thụ nhiều đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của gan, khiến bạn nhanh già và rút ngắn tuổi thọ. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ cho thấy uống 500 ml nước ngọt mỗi ngày sẽ dẫn đến lão hóa tế bào tương đương 4 năm rưỡi, bằng với hút thuốc lá và sự lão hóa tế bào này trước hết dẫn đến rút ngắn tuổi thọ.
5 dấu hiệu rõ rệt cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đường
Vậy làm thế nào để biết bạn đang ăn quá nhiều đường? Các triệu chứng như thế nào? Dưới đây là 5 dấu hiệu bạn cần để ý.
Đau cơ và khớp
Nếu đang đi dạo, làm vườn hoặc chơi thể thao mà bỗng nhiên thấy bị đau cơ và khớp thì có thể là một trong nhiều dấu hiệu mà cơ thể cảnh báo về các viêm nhiễm đang diễn ra bên trong cơ thể. Lượng đường trong chế độ ăn uống quá nhiều làm cho các tế bào miễn dịch tiết ra các chất truyền nhiễm vào máu, phá vỡ protein gắn với phân tử glucose.
Xuất hiện các vấn đề về da
Các thực phẩm chứa nhiều đường làm cho mức insulin tăng lên và bắt đầu quá trình liên kết đường với các phân tử protein. Ngay sau khi glucose xâm nhập vào máu, nó sẽ khởi động một loạt các quá trình sinh lý phức tạp mà cuối cùng có thể gây viêm và các vấn đề về da. Việc tăng cường insulin có thể làm tăng hoạt động của các tuyến dầu trong da và kích hoạt quá trình viêm.
Điều đó cũng có nghĩa là chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến nguy cơ mụn trứng cá tăng cao. Nếu làn da trở nên xấu đi, hãy thử thay đổi thói quen ăn uống.
Tăng cân
Không bao giờ dễ chịu khi quần áo bất ngờ chật ních, vòng eo to ra. Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc ăn quá nhiều đường là trọng lượng cơ thể tăng lên.
Đường dư thừa được lưu giữ ở dạng chất béo. Ngoài ra, ăn quá nhiều đường có thể làm giảm chức năng của hormone leptin, là một hormone truyền tín hiệu no đến não bộ khiến bạn ăn nhiều hơn. Điều này dễ dẫn đến tăng cân.
Rối loạn nhận thức
Đường thậm chí có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não gây ra hiện tượng rối loạn chức năng nhận thức. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều đường, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung suy nghĩ, dễ dẫn tới tình trạng nhầm lẫn, mất tập trung.
Luôn thèm ăn
Khi vào cơ thể, đường phóng thích dopamine và khiến tâm trạng bạn tốt lên. Nhưng khi chúng được đào thải ra khỏi cơ thể, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và cơ thể ngay lập tức muốn bổ sung thêm. Điều này làm cho bạn luôn có cảm giác thèm ăn đường và muốn ăn nhiều hơn. Nếu bạn đang trải qua thèm đường quá thường xuyên, đó là một dấu hiệu bạn đang ăn quá nhiều loại đồ ngọt này.
Mức tiêu thụ đường hợp lý là bao nhiêu?
Cũng giống như uống nước, mức tiêu thụ đường khác nhau ở mỗi người, nó còn phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người nên tiêu thụ lượng đường không quá 10% lượng năng lượng mình bổ sung hàng ngày. 10% này tương đương với 7 muỗng cà phê đường đã pha.
Những thực phẩm chứa nhiều đường bạn cần cân nhắc khi ăn
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí BMJ, nhóm thực phẩm có thêm hương vị, màu sắc, chất tạo ngọt, chất nhũ hóa và các chất phụ gia khác... đóng góp vào gần 90% lượng đường tiêu thụ của chúng ta. Nhóm thực phẩm này bao gồm:
- Nước ngọt
- Đồ uống trái cây
- Đồ uống làm từ sữa (sữa sô cô la)
- Bánh ngọt, bánh quy và bánh nướng
- Bánh mỳ
- Món tráng miệng
- Đồ ăn nhẹ
- Ngũ cốc ăn sáng
- Kem...
Một lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Zeitlin đưa ra là: Hãy kiểm tra nhãn của sản phẩm để biết các thành phần dinh dưỡng chứa trong đó trước khi bạn muốn mua món đồ ăn nào.
Theo N.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)