Ăn lựu vào mùa thu đúng chuẩn khỏi chỉnh nhưng khi ăn nghiễm nhiên bỏ thứ này đi thì rõ là... công cốc!

06/11/2020 09:46:00

Chuyên gia tiết lộ, phần thừa này từ quả lựu hoàn toàn có thể tận dụng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.

Hạt lựu - "Thần dược" chữa được nhiều bệnh nhưng thường bị bỏ đi

Mỗi độ thu về cũng là thời điểm những trái lựu chín đỏ được bày bán khắp nơi. Lựu trở thành một trong những loại quả tạo nên sắc màu đặc trưng của mùa thu. Với gam màu vàng đỏ ấm nóng, ăn lựu vào mùa thu đem lại rất nhiều công dụng sức khỏe, nhất là với phụ nữ, ăn lựu, uống nước ép lựu còn giúp làm đẹp da, da như được tưới nước, thêm căng hồng mịn màng trong mùa hanh hao, khô hạn. Ăn ngon là thế, nhưng nhiều người không biết trong quả lựu có một sản phẩm được coi là thần dược chữa bệnh. Đó chính là hạt lựu.

Ăn lựu vào mùa thu đúng chuẩn khỏi chỉnh nhưng khi ăn nghiễm nhiên bỏ thứ này đi thì rõ là... công cốc!

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), trong Đông y, hạt lựu có vị chát, tính ấm, chỉ tả, chỉ huyết, khử trùng có công dụng trị đại tiện ra máu, tiêu chảy kéo dài. Nước ép quả lựu, hạt lựu, vỏ lựu có tác dụng hạ cholesterol, chống lão hóa, chữa bệnh hẹp động mạch. Hạt lựu còn có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, ngăn ngừa ra nhiều mồ hôi, chữa chứng đau đầu ở phụ nữ, giúp trẻ em tiêu hóa tốt.

Quả có tác dụng sinh tân chỉ khát (làm tăng thủy dịch trong cơ thể và giải khát). Nếu là loại lựu chua, còn có thêm tác dụng sáp trường (làm săn niêm mạc ruột), chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa hoạt tả (ỉa chảy), kiết lỵ lâu ngày, băng lậu, khí hư, đới hạ. Loại quả ngọt, ngoài tác dụng sinh tân chỉ khát và chữa kiết lỵ lâu ngày, còn có thêm tác dụng sát trùng, có thể dùng chữa đau bụng do một số loại ký sinh trùng gây nên.

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, hạt lựu rất giàu vitamin E và magiê. Hạt lựu rất giàu chất xơ, đặc biệt hơn, chúng rất giàu chất chống oxy hóa là axit phenolic và polyphenol khác nhau, bao gồm flavonoid, tannin và lignans. Các axit béo trong dầu hạt lựu chủ yếu là axit Punicic có thể làm giảm viêm, cải thiện độ nhạy insulin và thúc đẩy giảm cân. Do đó, những ai muốn ăn lựu để giữ dáng hiệu quả hơn thì nên bổ sung lượng hạt nhất định trong khẩu phần, không nên loại bỏ hết hạt lựu ra khỏi khẩu phần ăn uống.

"Hạt lựu hoàn toàn có thể ăn được và đem lại công dụng chữa bệnh", lương y Vũ Quốc Trung cho hay.

Ăn lựu vào mùa thu đúng chuẩn khỏi chỉnh nhưng khi ăn nghiễm nhiên bỏ thứ này đi thì rõ là... công cốc! - 1

Với phụ nữ, ăn lựu hay uống nước ép lựu cả hạt càng tốt cho sức khỏe và giữ gìn nhan sắc. Khi ăn cả hạt lựu, chị em sẽ tận dụng được nguồn chất chống oxy hóa từ loại hạt này, giúp trẻ hóa làn da, có tác dụng rất tốt trong quá trình điều trị các vết thâm trên da.

Vậy, ăn hạt lựu cần lưu ý điều gì?

Mặc dù hạt lựu đem lại nhiều công dụng sức khỏe nhưng chuyên gia khuyên không nên nuốt hạt lựu quá nhiều một lúc vì có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn đường ruột ở những người bị táo bón nặng, táo bón mãn tính. Nhóm đối tượng này nên thận trọng khi sử dụng hạt lựu, tránh những hậu quả đáng tiếc. Trẻ em là nhóm đối tượng khi ăn lựu không nên nuốt cả hạt vì rất dễ bị hóc nguy hiểm. Người lớn khi ăn hạt lựu cần nhai kỹ trước khi nuốt để tránh bị khó tiêu, tắc ruột.

Để an toàn khi ăn hạt lựu, người ăn có thể xay lựu ra để ăn cả hạt, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Ăn lựu vào mùa thu đúng chuẩn khỏi chỉnh nhưng khi ăn nghiễm nhiên bỏ thứ này đi thì rõ là... công cốc! - 2
Mặc dù hạt lựu đem lại nhiều công dụng sức khỏe nhưng chuyên gia khuyên không nên nuốt hạt lựu quá nhiều một lúc.

Để tận dụng hết nguồn chất bổ dưỡng khi ăn lựu, bạn nên ép quả lựu lấy nước, hoặc có thể kết hợp với một số loại hoa quả khác để có đồ uống tốt cho sức khỏe và làn da, cơ thể tràn đầy năng lượng.

Với những người bị viêm dạ dày, sâu răng hay gặp các vấn đề về răng miệng, sau khi ăn lựu cần đánh răng ngay để tránh tình trạng thêm nặng nề. Người bị nóng trong, bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế ăn lựu dù đây là loại quả có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu nhưng không phù hợp để ăn thường xuyên.

Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật