Ẩn hoạ chết người từ trà sữa trân châu

10/08/2018 15:47:22

Hai bệnh nhi nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi uống trà sữa trân châu và mới đây một bé gái đã tử vong vì hóc hạt trân châu khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Liệu món trà sữa mà mọi người vẫn uống đã thật sự an toàn?

Ẩn hoạ chết người từ trà sữa trân châu

Ẩn họa từ trà sữa giá rẻ

Trong vai một người với ý định mở bán quán trà sữa, PV tìm đến chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) để tìm hiểu về thị trường nguyên liệu pha chế trà sữa tại đây. Ở chợ Kim Biên không khó để tìm gặp những sạp hàng kinh doanh loại nguyên liệu này.

Sau khi nghe PV bày tỏ nguyện vọng được mua nguyên liệu giá rẻ vì mới bắt đầu kinh doanh, không có nhiều vốn, một người phụ nữ đon đả giới thiệu hàng.

“Bột sữa này là hàng Thái, chất lượng giá 48 nghìn đồng/ kg, còn loại này là hàng của Trung Quốc, giá 20 nghìn đồng.

Một kg bột sữa sau khi pha chế và cho thêm nguyên liệu thạch, trân châu thêm sẽ cho ra được 4 lít trà sữa”, chủ sạp cho hay.

Khi thấy PV đặc biệt chú ý đến kệ trân châu được chất bên cạnh gian bột sữa, người phụ nữ lại tiếp tục mời chào.

Theo lời chủ hàng, đây là loại trân châu được nhiều cơ sở trà sữa lựa chọn với đủ các mức giá khác nhau, từ 20 nghìn đồng đến 32 nghìn đồng/ kg.

Khi tôi hỏi về nhãn mác cũng như nơi sản xuất đều không thấy in trên bao bì, người này trấn an: "Đây là hàng nhập từ Đài Loan, được đóng vào bao với khối lượng lớn, về Việt Nam, tiểu thương tự “xé lẻ” ra bán nên không có bao bì, nhưng đây là hàng đảm bảo".

Vì đa phần nguyên liệu pha chế trà sữa đều là hàng trôi nổi, không có bao bì, nhãn mác nên chất lượng của chúng là điều cần phải xem xét lại

Tuy nhiên, vì đây là một món thức uống thời thượng, được nhiều người ưa thích, vốn ít, lời nhiều, nên các cơ sở sẵn sàng bất chấp sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến.

Ẩn hoạ chết người từ trà sữa trân châu - 1
Nguyên liệu chế biến trà sữa đa phần không rõ nguồn gốc

Từng trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho hai chị em nhập viện do ngộ độc nghi do uống trà sữa, ThS.BS Phạm Thị Hải Mến- Trưởng khoa Nhi B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng trước thực trạng hiện nay nhiều loại trà sữa được bán rất rộng rãi, không nhãn mác, nguyên liệu và chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao.

Do đó, BS Mến khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ trước khi cho con em sử dụng thực phẩm, đồ uống cần tìm hiểu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; nên chọn những sản phẩm có thương hiệu để tránh tối đa sử dụng nguyên liệu trôi nổi từ bên ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mất mạng vì hạt trân châu

Mới đây, câu chuyện do BS Phan Xuân Trung, hiện đang công tác tại trung tâm y khoa Medic chia sẻ đã khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình vì thói quen tưởng chừng vô hại: cho con uống trà sữa trân châu.

Sự việc xảy ra khi bé gái cùng mẹ- là một bác sĩ khoa hô hấp cùng tự tay làm món trà sữa trân châu.

Trong lúc dùng ống hút để hút hạt trân châu, vô tình có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở.

Theo lời kể của BS Trung, lúc này mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé đã không thể cứu sống.

Ẩn hoạ chết người từ trà sữa trân châu - 2
Cần cẩn trọng trong việc cho trẻ em uống trà sữa. ảnh minh họa

Lý giải về sự việc này, BS Hồ Sĩ Dũng- Khoa Hô hấp BV Thống Nhất, Giảng viên Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng thực chất bất kỳ thức ăn nào cũng có thể gây hóc ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, hạt trân châu có trong món trà sữa thì càng nguy hiểm.

“Thứ nhất, ở trẻ nhỏ đặc biệt là dưói 3 tuổi thì phản xạ đóng nắp thanh môn khi nuốt chưa hoàn thiện. Kết hợp thêm khi uống trà sữa cần lực hút mạnh nên hạt trân châu đi vào vùng hầu họng với tốc độ cao hơn.

Thứ hai, khi sặc hạt trân châu thì nguy hiểm hơn các vật cứng khác do nó có hình tròn to và mềm, có thể đổi hình dạng nên gây bít hoàn toàn đường thở gây ngưng thở ngừng tim.

Hơn nữa hạt trân châu rất trơn nên thủ thuật nội soi gắp dị vật cũng khó khăn hơn vật cứng khác.”, BS Dũng thông tin.

"Vì thói quen trẻ nhỏ thường cười nói lúc ăn uống nên phản xạ đóng nắp thanh môn hoạt động không hiệu quả làm thức ăn sẽ bị dễ rơi vào đường thở. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến con trẻ trong lúc ăn uống.

Đặc biệt khi trẻ uống trà sữa trân châu, nên dùng muỗng sẽ an toàn hơn so với việc hút bằng ống hút.

Cha mẹ cần tìm hiểu về phương pháp Heimlich- một phương pháp sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở cho trẻ ngay khi trẻ bị hóc dị vật, và sau đó đưa trẻ đến BV để có hướng xử lí kịp thời", BS Dũng khuyến cáo. 

Theo Yến Nhi (Tiền Phong)