Bạn đang chuẩn bị ăn xúc xích? Đọc xong bài này, bạn có thể sẽ muốn bỏ xúc xích đi và tìm thứ gì đó tốt cho sức khỏe hơn.
Một nghiên cứu mới đã phát hiện mối liên hệ giữa ăn một lượng nhỏ thịt chế biến sẵn và một số nguy cơ sức khỏe, Web MD đưa tin.
Nghiên cứu, có tên viết tắt là PURE, được công bố ngày 31 tháng 3 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ. PURE là một nghiên cứu dài hạn, theo dõi thói quen ăn uống và tác động sức khỏe đi kèm của hơn 164.000 người ở 21 quốc gia, bao gồm những người có thu nhập thấp, trung bình và cao. Nghiên cứu bắt đầu vào năm 2003.
Nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi về tần suất ăn thực phẩm và phát cho người tham gia tự điền. Các nhà nghiên cứu cũng thu thập các dữ liệu sức khỏe khác từ người tham gia.
Trong nghiên cứu, thịt đỏ chưa qua chế biến bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt bê và thịt lợn. Thịt chế biến sẵn là bất kỳ loại thịt nào đã được ướp muối hoặc xử lý bằng chất bảo quản thực phẩm hoặc chất phụ gia.
Theo nghiên cứu này, nguy cơ sức khỏe có thể gia tăng chỉ với một lượng nhỏ thịt chế biến sẵn.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mỗi liên hệ giữa việc ăn một lượng nhỏ thịt chế biến sẵn - 150 gram mỗi tuần - và nguy cơ mắc bệnh tim nặng và tử vong cao hơn.
"Đó là khoảng hai khẩu phần mỗi tuần. Một chiếc xúc xích cỡ trung bình là khoảng 75 gram. Ăn hai xúc xích mỗi tuần có liên quan đến nguy cơ gia tăng", một trong những tác giả nghiên cứu, Mahshid Dehghan, cho biết. Dehghan là một điều tra viên tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Dân số của Đại học McMaster và hệ thống bệnh viện Khoa học Y tế Hamilton ở Ontario, Canada.
Tại sao các loại thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như xúc xích, thịt nguội và thịt xông khói, lại không tốt cho sức khỏe?
Dehghan giải thích: "Chúng tôi tin rằng nguyên nhân có thể là do chất bảo quản thực phẩm, chất phụ gia thực phẩm và màu thực phẩm. Lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong thực phẩm chưa chế biến và thịt chế biến sẵn tương tự nhau. Nhưng sự khác biệt nằm ở phụ gia thực phẩm, màu thực phẩm và nitrat.
"Thông điệp của nghiên cứu này là hãy hạn chế ăn thịt đã qua chế biến, thi thoảng ăn với số lượng rất hạn chế, không tiêu thụ thường xuyên".
Theo Dehghan, thịt có thể là một nguồn cung cấp protein, sắt và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, nhưng tiêu thụ thịt quá nhiều có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các tác giả của nghiên cứu cũng cũng nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để nâng cao hiểu biết về tiêu thụ thịt và các tác động sức khỏe đi kèm.
Tuy nhiên, một chuyên gia dinh dưỡng độc lập cho rằng nghiên cứu này chưa nói lên bức tranh toàn cảnh.
Connie Diekman, một nhà tư vấn thực phẩm và dinh dưỡng ở St. Louis (Mỹ), nói rằng sự hạn chế của nghiên cứu PURE là bảng câu hỏi về tần suất ăn thực phẩm có thể không chính xác và mức tiêu thụ khác nhau giữa các quốc gia.
Đúng là thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, bao gồm một số loại thịt, nên được tiêu thụ vừa phải trong kế hoạch ăn uống tổng thể có nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo, Diekman nói. Nhiều bằng chứng cho thấy mọi người nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt chế biến sẵn.
Nhưng "điểm mấu chốt là thực phẩm có xuất xứ động vật, cho dù là thịt sống, thịt chế biến, thực phẩm từ sữa..., đều có nhiều chất béo bão hòa và cần được tiêu thụ với số lượng vừa phải", Diekman nói.
Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)