Ai nên và không nên tiêm vaccine Johnson & Johnson?

18/07/2021 06:51:02

Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới ( SAGE) đã đưa ra các khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vaccine Johnson & Johnson's Janssen (J&J/Janssen) ngừa COVID-19.

Ai nên tiêm phòng trước?

Trong khi nguồn cung cấp vaccine COVID-19 còn hạn chế, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người lớn tuổi nên được ưu tiên tiêm chủng.

Các quốc gia có thể tham khảo Lộ trình ưu tiên và Khung giá trị của WHO để làm hướng dẫn cho việc sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các nhóm đối tượng. Vaccine được cho là an toàn và hiệu quả đối với những người mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim nghiêm trọng, béo phì và tiểu đường. Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc COVID-19 với biến chứng nghiêm trọng hơn. Nhóm này đã tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng và không có lo ngại về mức độ an toàn. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng những người nhiễm HIV cần có sự tư vấn y tế trước khi tiêm chủng. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá hiệu quả của vaccine đối với những người nhiễm HIV.

Ai nên và không nên tiêm vaccine Johnson & Johnson?

Vaccine J&J có thể sử dụng cho người từng mắc COVID-19. Tuy nhiên những cá nhân này có thể trì hoãn việc tiêm chủng trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm nhiễm virus SARS-CoV-2, giúp cho những người cần vaccine khẩn cấp có thể được sử dụng trước. Vaccine này có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú và không nên ngừng cho con bú sau khi tiêm chủng.

Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng không?

WHO khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai, nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra. Để thực hiện được điều này, phụ nữ mang thai cần được cung cấp thông tin về nguy cơ mắc COVID-19 trong thai kỳ, những lợi ích có thể của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ học tại địa phương và những hạn chế hiện tại của dữ liệu an toàn ở phụ nữ mang thai. WHO không khuyến cáo trì hoãn mang thai hoặc bỏ thai vì tiêm vaccine. Mặc dù phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19 với các biến chứng nghiêm trọng hơn, hiện có ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine trong thai kỳ.

Ai không nên tiêm vaccine Johnson and Johson?

- Những người có tiền sử sốc phản vệ với bất kỳ thành phần nào của vaccine.

- Bất kỳ ai có thân nhiệt trên 38,5ºC nên hoãn tiêm chủng cho đến khi hết sốt.

- Vaccine này không được khuyến cáo cho những người dưới 18 tuổi và cần chờ kết quả nghiên cứu sâu hơn ở nhóm tuổi này.

Liều lượng khuyến nghị là bao nhiêu?

SAGE khuyến cáo sử dụng 1 liều vaccine  (0,5ml) tiêm bắp. Cần có khoảng thời gian tối thiểu là 14 ngày giữa việc tiêm vaccine này và bất kỳ loại vaccine nào khác. Khuyến cáo này có thể được sửa đổi khi có dữ liệu về việc dùng chung với các vaccine khác.

Vaccine có an toàn không?

SAGE đã đánh giá dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine, khuyến nghị sử dụng vaccine cho những người từ 18 tuổi trở lên. Vaccine cũng được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đánh giá và được chứng minh là an toàn để sử dụng.

Vaccine có hiệu quả như thế nào?

Trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong ở những người mắc COVID-19. Vaccine ngừa COVID-19 của J&J đạt hiệu quả 66,3% trong các thử nghiệm lâm sàng (tính hiệu lực) phòng ngừa COVID-19. Khả năng bảo vệ tốt nhất 2 tuần sau khi tiêm chủng.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine này đã được thử nghiệm chống lại nhiều biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm B1.351 (phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi) và P.2 ( phát hiện lần đầu tiên ở Brazil) và đều có hiệu quả. SAGE hiện khuyến nghị sử dụng vaccine này theo Lộ trình ưu tiên của WHO ngay cả khi xuất hiện các biến thể mới ở một quốc gia nào đó. Khi có dữ liệu mới, WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị cho phù hợp./.

Theo Hoàng Doanh (vov.vn)