Tai là bộ phận phức tạp trên cơ thể và việc làm sạch khu vực này chẳng hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Vệ sinh không đúng cách có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như tắc nghẽn ráy tai và thậm chí thủng màng nhĩ. Viện Mayo cho biết, màng nhĩ có khả năng tự lành nhưng đôi khi bạn cũng cần phải phẫu thuật để vá lại vết rách. Do đó, mọi người cần tránh chọc tăm bông quá sâu vào tai trong quá trình vệ sinh khu vực này.
Dưới đây là một số lưu ý và hướng dẫn của các chuyên gia có thể giúp bạn vệ sinh tai một cách an toàn và hiệu quả nhất:
Tai có cơ chế tự làm sạch
Cấu tạo của tai rất đặc biệt vì đây là bộ phận tiếp nhận âm thanh trên cơ thể. Theo Trung tâm Y tế trực thuộc Đại học Rochester, màng nhĩ là nơi phân chia tai ngoài với tai giữa. Tai giữa được tạo thành từ ba loại xương có khả năng truyền sóng âm thanh và các dây thần kinh giúp chúng ta nghe, duy trì sự cân bằng.
Các tuyến trong da tiết ra ráy tai để bảo vệ tai khỏi bụi bẩn và tác động từ môi trường. Do đó, trên thực tế, đây là một cơ chế tự làm sạch của ống tai. Christopher Chang, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tai mũi họng ở Warrenton, Virginia giải thích, khi cơ thể sản sinh ra ráy tai mới, ráy tai cũ sẽ bị đẩy ra ngoài một cách tự nhiên và bạn thực sự không thể ngăn chặn được điều này.
Theo Erich Voigt, chuyên gia y khoa, phó giáo sư kiêm trưởng khoa tai mũi họng tại Tổ chức y tế NYU Langone, những hành động như mở miệng, đóng miệng, nhai và nói chuyện làm di chuyển ống tai, từ đó giúp cơ thể tự vệ sinh khu vực này.
Làm cách nào để làm sạch tai một cách an toàn?
Sau khi vệ sinh loa tai, vành tai và các xoắn, rãnh ngoài, mọi người nên lưu ý tới cả khu vực ống tai bên trong. Trên thực tế, không ít người có thói quen lấy tay ngoáy tai khi cảm thấy khó chịu. Đây là việc làm vô cùng sai lầm và có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Ráy tai sẽ bị đẩy sâu vào tai, gây tắc nghẽn, tích tụ ráy tai và ảnh hưởng tới quá trình làm sạch tự nhiên của cơ thể. Hơn nữa, theo Viện Mayo, lấy tay ngoáy tai cũng có thể vô tình làm rách hoặc thủng lớp mô bảo vệ màng nhĩ, từ đó dẫn tới các vấn đề về thính giác.
Chuyên gia Voigt lưu ý, hãy làm sạch tai ngoài một cách nhẹ nhàng rồi lau khô khu vực này với khăn sạch và đừng cố gắng loại bỏ ráy tai ở ống tai để tránh phá vỡ quá trình vệ sinh tự nhiên của cơ thể.
Cần tránh điều gì khi vệ sinh tai?
Viện Mayo giải thích, sử dụng tăm bông để làm sạch tai có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và tạo ra những vết xước nhỏ trong tai, từ đó gia tăng khả năng mắc nhiễm trùng. Vì vậy, mọi người chỉ nên dùng sản phẩm này để vệ sinh các khe, rãnh và nếp gấp ngoài tai.
Lấy ráy tai bằng nến là một kỹ thuật vệ sinh tai được không ít người ưa chuộng hiện nay. Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng nhiệt độ từ nến tỏa ra có khả năng hút ráy tai và làm chúng dính vào nến. Trên thực tế, theo Viện Mayo, hiện nay không có bằng chứng nào chứng minh tính hiệu quả của kỹ thuật lấy ráy tai bằng nến. Hơn nữa, việc làm này còn rất nguy hiểm vì bạn phải đặt một ngọn nến gần tóc. Đồng thời, theo chuyên gia Voigt, ráy tai bị đốt nóng có thể chảy ngược lại vào tai và gây phản tác dụng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau tai, ù tai, cảm thấy áp lực trong tai, chóng mặt, ho hoặc nghe có vấn đề, thay vì tự xử lý ở nhà, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng tai hoặc những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Những người bị thủng màng nhĩ sẽ cảm thấy đau nhói trong tai, chảy máu, xuất hiện mủ đi kèm với hiện tượng ù tai, chóng mặt, quay cuồng và buồn nôn.
Bác sĩ sẽ làm gì để vệ sinh tai?
Nếu bị tắc nghẽn ráy tai, chuyên gia Voigt khuyên, bạn nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng. Sau khi kiểm tra bằng ống soi tai, họ sẽ lấy ráy tai ra ngoài bằng dụng cụ chuyên dụng.
Trong hầu hết các trường hợp, toàn bộ việc làm này chỉ cần mất vài phút. Tuy nhiên, vì tai đã được vệ sinh sạch sẽ, bạn cần tránh để nước tràn vào khu vực này trong vài ngày. Cơ thể cần thời gian để sản sinh ráy tai mới. Chuyên gia Voigt cũng khuyên, mọi người nên giảm âm lượng TV, loa điện thoại và tai nghe vì thính giác sẽ tăng lên do ráy tai đã được loại bỏ hoàn toàn.
Theo Mai Nhung (Pháp Luật & Bạn Đọc)