Ai có nguy cơ cao mắc ung thư?

15/05/2023 15:51:56

Theo các chuyên gia, ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này nhưng có nhóm người nguy cơ cao hơn so với những người khác.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung thư trên kênh Family Doctor chia sẻ, nhiều người cho rằng ung thư ở rất xa họ, thực tế nhận thức này là sai lầm. Theo thống kê lâm sàng, số người mắc ung thư đang ngày càng tăng cao và trẻ hóa.

Ung thư cũng giống như những căn bệnh khác, có nhóm người nguy cơ cao hơn so với những người khác. Khi bạn rơi vào nhóm dễ mắc ung thư thì cần quan tâm nhiều hơn đến thói quen sinh hoạt, khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời nhận biết nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổ biến. 

Vậy những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư là:

1. Ung thư phổi

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi là người thường xuyên hút thuốc lá nhiều, trên 40 tuổi và có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi, người thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ, người tiếp xúc với nhiều bụi trong thời gian dài và những người thường xuyên làm việc trong bếp.

Nói chung, người đã hút thuốc hơn 20 năm, người bắt đầu hút thuốc dưới 20 tuổi và những người hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày có nhiều khả năng bị ung thư phổi cao hơn so với người bình thường không có đặc điểm này.

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư?

2. Ung thư dạ dày

Nhóm người nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày là người từ 50-60 tuổi, người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP), người có tiền sử gia đình từng bị ung thư, người hút thuốc và uống rượu nhiều trong thời gian dài, người có thói quen ăn uống không điều độ…

Bất kể là chất có hại nào có trong thuốc lá hay rượu bia đều sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, gây thoái hóa và hoại tử tế bào niêm mạc dạ dày, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Ngoài ra, thường xuyên ăn thực phẩm ngâm chua dài ngày, điều kiện bảo quản và an toàn thực phẩm kém hoặc thực phẩm hun khói cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày, vì những thực phẩm này chứa rất nhiều amoni nitrit, một chất có thể gây ung thư.

3. Ung thư gan

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư gan gồm bệnh nhân tiến triển từ viêm gan virus mạn tính sang xơ gan, bệnh nhân viêm gan virus mạn tính, bệnh nhân xơ gan, người thường xuyên uống rượu bia nhiều.

Viêm gan virus mạn tính nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ khiến lượng lớn tế bào gan suy giảm hoạt động, làm tăng tỷ lệ ung thư gan.

Người uống nhiều rượu cũng thuộc nhóm này vì rượu sau khi vào cơ thể hầu hết phải thông qua gan giải độc và chuyển hóa, lâu ngày sẽ gây tổn thương tế bào gan, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư gan, tỷ lệ mắc ung thư gan cao hơn.

4. Ung thư đại trực tràng

Nhóm người nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng gồm người có tổn thương tiền ung thư đại trực tràng, người có tiền sử gia đình từng có thành viên mắc ung thư, người có tiền sử xạ trị vùng chậu, người thường xuyên ăn đồ ăn chứa nhiều chất béo và nhiều calo, người thường xuyên thức khuya…

Cụ thể, thường xuyên ăn những thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo sẽ ảnh hưởng đến nhu động ruột già, khiến phân lưu lại lâu trong ruột già, làm cho các chất độc trong phân bị tái hấp thu. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của ruột già, lâu dần sinh bệnh.

Các bác sĩ khuyên rằng bạn cần phải tích cực phòng ngừa khi còn trẻ, đặc biệt chú ý đến mọi mặt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Về chế độ ăn uống, cần chú ý cân bằng và khoa học, ăn chín uống sôi, an toàn, lành mạnh. Về sinh hoạt, tránh thức khuya, tránh nóng giận, tránh những nơi có môi trường độc hại, tránh làm rối loạn nội tiết dẫn đến tăng nguy cơ mắc ung thư.

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư? - 1

Nguy cơ mắc ung thư khác nhau theo độ tuổi

Theo các chuyên gia, mỗi độ tuổi, bạn sẽ có nguy cơ và cần tầm soát các bệnh lý ung thư khác nhau.

Từ 21 đến 29 tuổi

Đối với nam giới:

- Ung thư đại tràng: Gia đình có người mắc ung thư đại tràng, bệnh nhân có polyp đại tràng… nên thực hiện sàng lọc sớm.

- Ung thư tuyến giáp: Những đối tượng có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cũng nên thực hiện sàng lọc trong độ tuổi này.

Đối với nữ giới:

- Ung thư vú: Bạn nên tầm soát khi có những dấu hiệu bất thường ở ngực như xuất hiện khối u, vú to hơn bình thường, núm vú thay đổi màu sắc, tiết dịch... Người đã có tiền sử gia đình mắc ung thư vú cũng nên khám và tầm soát sớm.

- Ung thư cổ tử cung: Đây là độ tuổi mà phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm Pap Smear định kỳ. Nếu kết quả xét nghiệm Pap Smear có nghi ngờ, bạn nên thực hiện xét nghiệm HPV.

- Ung thư đại tràng: Bạn nên thực hiện sàng lọc với những đối tượng có nguy cơ cao.

- Ung thư tuyến giáp: Trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em mắc phải căn bệnh này, bạn cũng nên thực hiện sàng lọc ung thư tuyến giáp.

Từ 30 đến 39 tuổi

Đối với nam giới: Nam giới nên thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng ở thời điểm này, nhất là những đối tượng có nguy cơ ung thư cao.

Đối với nữ giới: Đây là độ tuổi phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư tử cung và ung thư vú. Từ độ tuổi 30 trở đi, nữ giới nên thực hiện xét nghiệm HPV 5 năm/lần. Với những đối tượng có nguy cơ cao, việc sàng lọc có thể cần thực hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi bạn đã thực hiện tiêm phòng HPV.

Ai có nguy cơ cao mắc ung thư? - 2

Từ 40 đến 49 tuổi

Đối với nam giới: Đây là thời điểm nam giới nên thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng bằng phương pháp như tìm máu ẩn trong phân hàng năm và phương pháp nội soi theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nam giới cũng nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, nhất là đối với những trường hợp có nguy cơ cao.

Đối với nữ giới: Từ sau tuổi 40, chị em nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú mỗi năm một lần. Tùy vào từng trường hợp, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp để thực hiện xét nghiệm tiếp theo. Bên cạnh đó, nữ giới cũng nên thực hiện sàng lọc các loại bệnh ung thư khác như ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng…

Từ 50 tuổi trở lên

Đối với nam giới: Nam giới nên thực hiện xét nghiệm ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Đặc biệt, những trường hợp có thói quen hút thuốc lá, việc tầm soát ung thư lại càng cần thiết hơn.

Đối với nữ giới: Bạn nên được tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và ung thư phổi.

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp, yếu tố nguy cơ hay triệu chứng cụ thể, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân thực hiện một số loại xét nghiệm để sàng lọc những bệnh ung thư khác. Người bệnh cũng được lên lịch tầm soát cho lần tiếp theo cho từng đối tượng.

Bác sĩ cảnh khuyến cáo người dân nên tìm những cơ sở khám, chữa bệnh đáng tin cậy, tìm những chuyên gia uy tín để thực hiện tầm soát ung thư sớm chính xác nhất, tránh tiền mất tật mang.

PN (SHTT)

Nổi bật