Thực đơn mâm cỗ cúng ông Táo chị Hoan chia sẻ gồm 10 món, đa số là các món cơ bản của mâm cỗ cúng truyền thống.
Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh gia đình, nhiều người chọn cúng trước 1-2 ngày. Tuy nhiên, việc cúng ông Công ông Táo bắt buộc phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Chị Thanh Hoan (Hà Nội) tận dụng ngày chủ nhật được nghỉ để làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo. Vốn là một người có đam mê và năng khiếu nấu nướng, chị Hoan rất chú tâm vào từng món ăn. Chị muốn mâm cỗ cúng phải thật sự đẹp mắt, chỉn chu, màu sắc và quan trọng là không quá tốn kém.
Thực đơn mâm cỗ cúng chị Hoan chia sẻ gồm 10 món, đa số là các món cơ bản của mâm cỗ cúng truyền thống.
1. Gà rang muối
Chuẩn bị nửa con gà chặt miếng vừa ăn, rửa sạch với muối, để ráo. Sau đó ướp 2 thìa hạt nêm, hạt tiêu, 1 lòng đỏ trứng trong 30 phút. Tiếp đến cho bột chiên giòn đảo đều rồi chiên ngập trong dầu. Để ráo mỡ rồi trộn gói muối dành cho gà rang muối vào. Phi thơm hành khô, sả xé sợi rồi rắc lên gà. Bày gà ra đĩa để có món gà rang muối chuẩn vị, thơm ngon.
2. Bóng xào thập cẩm
Món bóng xào thập cẩm gồm súp lơ, su hào, cà rốt, sò điệp và bao ngư, nấm hương, mộc nhĩ, bóng bì.
Bóng bì ngâm với nước lạnh trong vòng một tiếng cho bóng nở, sau đó thái con thoi, bóp với rượu gừng để tẩy mùi hôi. Món này nên làm sẵn, cất trong ngăn đá dự trữ để không mất công chuẩn bị.
Phi thơm hành, cho sò điệp và bào ngư vào xào qua rồi bỏ ra một cái đĩa khác. Tiếp đến, cho mộc nhĩ, nấm hương, bóng bì vào xào cho ngấm gia vị.
Súp lơ, su hào, cà rốt chần qua, vớt ra để ráo.
Cuối cùng, cho súp lơ, cà rốt và su hào thêm hạt nêm vào xào cùng gia vị. Tiếp tục cho bào ngư, sò điệp vào đảo cùng. Sau cùng là mộc nhĩ, nấm hương và bóng bì. Tất cả đảo đều nêm nếm gia vị vừa ăn. Rắc hạt tiêu vào và bày ra đĩa.
3. Canh măng nấu móng giò
Nguyên liệu gồm có măng, móng giò, hành khô, mỡ.
Măng ngâm với nước vo gạo từ 2-3 hôm trước, sau đó xé măng nhỏ cho vào nồi luộc 3-4 lần cho măng bớt màu nâu, giúp măng trắng dần ra.
Sau đó cho mỡ lợn vào nồi, phi thơm hành khô. Tiếp đến cho măng đã luộc vào xào cùng hạt nêm, nước mắm. Xào cho ngấm gia vị thì cho tiếp móng giò vào đảo cùng, đến khi tất cả đều ngấm gia vị thì cho vào nồi áp suất ninh cho nhanh.
4. Giò xào: Mua sẵn
5. Nem rán
Có thể dùng nhân hải sản hoặc nhân mộc nhĩ, thịt như thông thường tùy theo sở thích.
6. Bánh chưng
7. Tôm hấp sả
Lót sả dưới nồi, cho nước hoặc bia vào rồi cho tôm lên, hấp đến khi tôm chuyển màu là được.
8. Mực chiên xù
Mực rửa với rượu và dấm, muối, cắt nhỏ theo vòng con mực. Sau đó ướp với bột chiên giòn nhúng qua một cái bát có lòng đỏ trứng rồi lăn qua bột chiên xù. Đổ dầu vào chảo và chiên ngập dầu cho đến khi vàng. Gắp mực ra đĩa, bày biện đẹp mắt.
9. Chân giò hun khói
Món chân giò hun khói mua sẵn, thái lát đẹp rồi bày ra đĩa.
10. Cơm trắng
Là món không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng. Mỗi mâm cỗ nên chuẩn bị 1 bát cơm trắng đầy.
Chị Thanh Hoan cho hay, mình làm mâm cỗ này trong vòng 2 tiếng bởi măng và nem đã được chị chuẩn bị từ hôm trước. Đến lúc chuẩn bị cúng, nem sẽ được rán nóng lại, măng kết hợp cùng các nguyên liệu khác và gia vị khác để nấu canh.
Ngoài mâm cỗ cúng, chị Hoan cũng chuẩn bị nhiều lễ vật như hương, hoa, bánh kẹo, cá chép… thắp hương cùng.
Sau cúng, cá chép được thả ở sông, suối, hồ để phóng sinh.
Theo T.T (VietNamNet)