Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, cô La, 36 tuổi, đến từ Chiết Giang, Trung Quốc, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp ngay sau khi sinh đứa con thứ hai.
Sau khi thăm hỏi tình hình, bác sĩ bất ngờ phát hiện gia đình cô La còn có nhiều người khác mắc ung thư. Được biết, bà nội cô La mất sớm vì ung thư, bố mắc ung thư phổi, ung thư gan, anh trai bị ung thư hạch, hai người dì bị ung thư, bác ruột cũng bị ung thư gan. Tổng cộng, tính cả cô La, gia đình cô có tới 8 người mắc bệnh ung thư.
Sau đó, Bệnh viện Ung thư Chiết Giang đã tiến hành xét nghiệm gen trên 18 thành viên họ nhà nội của cô La và nhận thấy có sự trùng hợp đáng kể, kết quả chẩn đoán cuối cùng là Hội chứng Li-Fraumeni (Li-Fraumeni Syndrome, LFS).
Đây là hội chứng ung thư di truyền, có nghĩa là nguy cơ ung thư có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dẫn đến sự xuất hiện của các bệnh ung thư khác nhau ở nhiều cơ quan.
Vì vậy, nếu trong gia đình có nhiều thành viên thuộc các thế hệ khác nhau mắc cùng một loại bệnh ung thư, có khối u ở cùng vị trí thì cần chú ý phát hiện sớm, phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sớm.
Trên thực tế, phân nhóm gia đình là một đặc điểm của bệnh ung thư. Nếu ai đó trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, các thành viên khác trong gia đình phải chú ý.
Trong gia đình có người mắc ung thư, mặc dù các thành viên trong gia đình có thể không chắc chắn bị bệnh này nhưng khả năng mắc ung thư cao hơn nhiều so với những người khác, điều này được xác định bởi hai nguyên nhân.
Thứ nhất, một số khối u ác tính có tính di truyền, một khi người thân trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh thì xác suất người nhà mắc bệnh sẽ cao hơn nhiều so với những người khác.
Thứ hai, sống trong cùng một gia đình, các thành viên trong gia đình có thói quen ăn uống và môi trường sống giống nhau, điều này cũng dẫn đến sự tập hợp các khối u ác tính trong gia đình.
Những bệnh ung thư nào thường có trong nhóm ung thư di truyền?
1. Ung thư gan
Nếu cha mẹ bị chẩn đoán mắc ung thư gan thì con cái cần được phòng ngừa bởi sự lây truyền của virus viêm gan B theo chiều dọc, rất dễ cả nhà cùng mắc. Đặc biệt, những bà mẹ mang virus viêm gan B thì con sau khi chào đời có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn. Người có nguy cơ cao mắc ung thư gan là những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi mãn tính và xơ gan.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá hoảng sợ bởi kiểm soát kịp thời, tích cực điều trị viêm gan và ngăn chặn quá trình phát triển có thể giúp tránh ung thư gan. Ngoài ra, để phòng bệnh, nên có chế độ ăn uống cân bằng, tránh uống rượu, không ăn thực phẩm bị mốc. Nếu trong gia đình có người mắc viêm gan, các thành viên khác nên được tiêm phòng, đồng thời tránh dùng chung dụng cụ ăn uống để giảm lây truyền bệnh.
2. Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Sự di truyền của ung thư vú có liên quan đến gen BRCA 1 và BRCA 2. Khi hai gen bị đột biến, chúng không thể sửa chữa lỗi và kiểm soát sự sinh sản của các tế bào xấu kịp thời, dẫn đến ung thư. Đột biến ở hai gen này được truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ có đột biến gen này có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4 đến 8 lần so với người bình thường.
Những người có nguy cơ cao nên tự kiểm tra vú thường xuyên và đi khám định kỳ hàng năm để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm. Việc duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống đúng, ngủ đủ giấc… có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
3. Ung thư vòm họng
Tỷ lệ mắc ung thư biểu mô vòm họng có tính di truyền nhất định, nhưng một số nghiên cứu phát hiện bệnh này còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như môi trường, điều kiện sống.. Để phòng bệnh, nên duy trì lối sống lành mạnh, cải thiện chức năng miễn dịch cho cơ thể.
Tránh ăn thực phẩm quá nóng hay hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc. Những người có tiền sử gia đình bị ung thư hoặc người lớn tuổi nên khám sức khỏe hàng năm và chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo để phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư vòm họng.
4. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
Trong số tất cả các bệnh nhân ung thư dạ dày, 10% có xu hướng di truyền gia đình rõ ràng, người thân của những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc loại ung thư này cao gấp 2 đến 3 lần so với những người khác. Ngoài do di truyền, nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh.
5. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính gây ung thư đại trực tràng nhưng đã tìm ra một số nhóm yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh, trong đó có hội chứng di truyền. Ung thư có thể xuất hiện ở một trong các polyp nằm trải dài trên toàn bộ ống niêm mạc đại trực tràng, nguy cơ tất cả polyp đó đều trở thành tế bào ung thư.
Người bị đa polyp mang tính chất gia đình, nếu không điều trị theo thời gian đến 40 tuổi thì hầu hết polyp sẽ phát triển thành ung thư, ngoài đại trực tràng còn bị ở dạ dày, ruột non, tụy, gan... Chuyên gia khuyến cáo, polyp được coi là yếu tố tiền ung thư. Do đó khi phát hiện polyp, nên nội soi ống mềm toàn bộ đại trực tràng và sinh thiết xem lành hay ác tính. Trường hợp đã tiến triển thành ung thư thì cần có phương án điều trị.
6. Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường gặp hơn ung thư tuyến giáp thể nhú và hầu hết những bệnh nhân này đều có tiền sử gia đình. Khuyến cáo những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư nên đi tầm soát ung thư thường xuyên, để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề. Đồng thời, tránh một số yếu tố nguy cơ cao như thức khuya, hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với các chất độc hại.
Ba yếu tố chính ảnh hưởng đến ung thư là môi trường, di truyền và thói quen sinh hoạt. Chúng ta khó thay đổi yếu tố môi trường và di truyền nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thay đổi những thói quen sinh hoạt không tốt để ngăn chặn sự xuất hiện của ung thư.
Chỉ cần làm tốt công tác phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị sớm thì ít nhất chúng ta có thể tránh xa nhiều yếu tố gây ung thư, từ đó mới có cơ hội chiến thắng căn bệnh quái ác này.
Dưới đây là những việc ai cũng có thể làm để phòng ngừa ung thư:
- Duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc và chăm tập thể dục.
- Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.
- Sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có chế độ ăn cân bằng, ưu tiên chất xơ từ rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế chất béo bão hòa, thịt đỏ…
- Lắng nghe cơ thể và khi nhận thấy điều bất thường thì đi khám và điều trị sớm.
- Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư.
PN (Nguoiduatin.vn)