Theo báo cáo "Thống kê y tế thế giới 2018" do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố: Tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản là 84 tuổi, trở thành nước có tuổi thọ cao nhất thế giới. Làm thế nào mà Nhật Bản trở thành quốc gia sống thọ nhất trên thế giới?
Theo các chuyên gia, tuổi thọ chủ yếu liên quan đến bốn yếu tố, đó là di truyền, thói quen sống, môi trường sống và điều kiện y tế. Trong số đó, di truyền chiếm 20% và thói quen lối sống chiếm 75%.
Theo điều tra, trong thói quen sống, thói quen ăn uống là quan trọng nhất. Một số tài liệu cho biết, độ tuổi trung bình của người dân Nhật Bản sau Thế chiến II chỉ là 55 tuổi, nhưng sau khi thay đổi thói quen ăn uống, tuổi thọ trung bình của họ đã tăng lên và đứng đầu trên thế giới.
7 thói quen ăn uống của người Nhật Bản đáng để chúng ta học hỏi
1. Ăn ít thịt, ăn nhiều các loại cá
Trong lịch sử của Nhật Bản, một thời gian rất dài người dân bị cấm ăn các loại thịt, các sản phẩm thịt chỉ có thể được coi là một loại thuốc. Trong thời gian này các loại cá trở thành thực phẩm thay thế cho thịt, được mọi gia đình sử dụng. Vì vậy ngay sau khi loại bỏ lệnh cấm, người Nhật vẫn không quen ăn thịt. Theo khảo sát, một người Nhật có thể tiêu thụ hơn 50kg cá mỗi năm.
2. Chỉ ăn no đến 8 phần
Người Nhật Bản rất ít khi ăn quá no, theo quan niệm của họ, nếu ăn quá no sẽ gây tổn hại đến cơ thể, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, và ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, mỗi bữa ăn họ chỉ ăn no đến 8 phần (tức là cơ thể đã có cảm giác no, nếu muốn vẫn có thể ăn tiếp được), việc này giúp họ tránh được tình trạng béo phì, giảm tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, mỡ máu, bệnh về gan…
3. Thực phẩm mỗi ngày rất phong phú
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xây dựng "Hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh" vào năm 1985, kêu gọi mọi người mỗi ngày cố gắng ăn khoảng 30 loại thực phẩm, kể cả các loại gia vị. Họ cho rằng, chế độ ăn uống như vậy mới cân bằng các chất dinh dưỡng. Vì vậy ngay cả khi họ ăn ít, nhưng lại ăn đa dạng các loại thực phẩm, giàu chất dinh dưỡng.
4. Chú ý nhai chậm
Người Nhật từ nhỏ đã biết rằng, nhai chậm có thể giúp kéo dài cuộc sống. Thời gian nhai càng lâu, các dây thần kinh của hệ thống tiêu hóa gửi đến não càng nhiều, cảm giác no sẽ đến nhanh, tự nhiên sẽ ăn ít đi, gánh nặng của đường tiêu hóa cũng sẽ giảm.
5. Chế độ ăn uống chủ yếu thực phẩm thanh đạm, ít thực phẩm chiên
Người Nhật thích ăn thanh đạm, sử dụng dầu tương đối ít, họ cũng chú ý nhiều hơn đến hương vị gốc của thực phẩm, và cho rằng đó cũng chính là sự tôn trọng đối với các loại thực phẩm.
Người Nhật thường ăn sống các loại thực phẩm như rau diếp, cà rốt, dưa chuột,… các loại thực phẩm khác chủ yếu nấu bằng phương pháp hấp, luộc, sau đó trộn với một ít dầu ôliu, để đảm bảo lượng dinh dưỡng trong thực phẩm không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, làm giảm chất béo đi vào cơ thể, rất tốt cho sức khỏe.
6. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc
Nhìn chung, trong cả 3 bữa ăn của người Nhật đều có đương đối nhiều hàm lượng carbohydrate. Những carbohydrate này chủ yếu đến từ các loại ngũ cốc, rau và trái cây. Chất xơ không dễ dàng được cơ thể tiêu hóa, do đó nó được hấp thụ chậm và sẽ không nhanh chóng chuyển thành chất béo.
7. Sử dụng các loại thực phẩm theo mùa
Người Nhật thường lựa chọn thực phẩm theo mùa, họ cho rằng chỉ bằng cách này mới có thể tận dụng được hết hương vị tự nhiên và nguyên bản nhất của thực phẩm.
Theo Hà Vũ (Nhịp Sống Việt)