Trong danh sách các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, có lẽ khoai lang vẫn luôn nằm trong top đầu. Trong mắt nhiều chuyên gia sức khỏe khoai lang là loại "củ trường sinh", một số nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng khoai lang chính là "vua chống ung thư".
Khoai lang tuy có nhiều lợi ích nhưng khi ăn cũng phải cẩn thận, ăn sai cách có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì vậy hãy tránh 7 sai lầm dưới đây khi ăn khoai lang.
1. Không ăn khi đang đói
Nhiều người có thói quen ăn khoai lang khi đói hay dùng khoai lang thay cơm để giảm cân. Tuy nhiên, đây là hành động rất hại cho sức khỏe.
Bởi vì khoai lang có chỉ số đường huyết cao, ăn lúc đói có thể kích thích tiết axit dạ dày, dẫn đến trào ngược axit và ợ chua, trướng bụng, buồn nôn. Ngoài ra, khoai lang là thực phẩm ít chất béo và ít đạm nên đừng dùng nó làm thực phẩm chính, sẽ gây suy dinh dưỡng và suy giảm hệ miễn dịch.
2. Không ăn chung với một số thực phẩm khác
Tuy lành tính, cung cấp nhiều glucose và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng có thể được ăn cùng lúc với khoai lang. Trong đó cần đặc biệt lưu ý 4 loại sau đây:
- Quả hồng: tuyệt đối không nên ăn khoai lang cùng lúc hoặc ngay trước, sau khi ăn hồng. Tốt nhất là cách nhau ít nhất 3 giờ. Bởi vì khoai lang làm tăng tiết axit dạ dày, trong khi hồng chứa nhiều tannin và pectin, phản ứng với nhau sinh ra kết tủa, hình thành sỏi, gây xuất huyết tiêu hóa hoặc viêm loét dạ dày.
- Chuối: không nên ăn chuối cùng lúc với khoai lang, vì cả 2 đều dễ tạo cảm giác no nên dễ bị đầy bụng, gây trào ngược axit dạ dày. Nếu ăn quá nhiều sẽ làm ức chế thức ăn trong ruột và dạ dày, dẫn đến khó tiêu hóa, hấp thụ, trường hợp nặng có thể gây ngộ độc.
- Cà chua: ăn khoai lang với cà chua rất dễ sinh ra sỏi, đau dạ dày, đau bụng, tiêu chảy. Nên ăn cách nhau ít nhất là 2 giờ đồng hồ để bảo vệ sức khỏe.
- Cua, ghẹ: đây là 1 sự kết hợp không hề khôn ngoan, dễ sinh ra ngộ độc tiêu hóa, tiêu chảy, nôn mửa.
3. Ăn sống hoặc ăn quá nhiều khoai lang
Khoai lang nên được làm chín trước khi ăn, bởi nếu ăn sống thì sẽ rất khó tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.
Ngoài ra, nếu thích ăn khoai lang, bạn cũng phải chú ý đến liều lượng vì đây là thực phẩm nhiều tinh bột, ăn nhiều dễ gây khó chịu như đầy bụng, ợ chua, nấc cụt. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 1-2 củ khoai lang tương đương với khoảng 300g mỗi ngày.
4. Người bị bệnh thận nên hạn chế ăn khoai lang
Những người thận yếu thì chức năng loại bỏ kali dư thừa cũng sẽ bị yếu đi. Trong khi đó, khoai lang lại chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin A… ăn quá nhiều khoai lang có thể gián tiếp gây ra cho người bệnh thận những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
5. Người có hệ tiêu hóa không tốt
Những người có hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng.
6. Không ăn củ khoai có đốm đen
Khoai lang bảo quản không tốt sẽ rất dễ bị hà, xuất hiện những đốm đen, nhiều người không vứt bỏ mà cắt bỏ phần hà, đốm đen đi để luộc lên rồi ăn tiếp. Tuy nhiên việc xuất hiện những vết này thì có nghĩa khoai bị nhiễm khuẩn vằn đen ô nhiễm gây độc cho gan.
Loại độc tố này sẽ không hề bị tiêu diệt dù bạn có luộc khoai trong nước sôi sùng sục hay là nướng khoai với than hồng rực. Vì vậy, khi có những biểu hiện này, bạn hãy vứt bỏ đi, đừng tiếc mà gọt vỏ rồi ăn tiếp nhé!
7. Không ăn khoai thay cơm
Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải sẽ rất có lợi cho hệ tiêu hoá của bạn. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều, ăn thay cơm mà không bổ sung được những dưỡng chất khác sẽ dẫn đến hậu quả ngược lại. Khi mà cơ thể không kịp tiêu hoá hết, những axit và protein trong khoai lang sẽ tích tụ lại trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nấc, ợ nóng, thậm chí là bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe này là do phản ứng của axit tiêu hoá, thành dạ dày bắt đầu co lại, đồng thời điểm tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản mở rộng làm cho thức ăn dồn lên phía trên gây ợ chua và nấc nghẹn.
PN (Nguoiduatin.vn)