Từng là một người con, bố mẹ là người hiểu rõ nhất những cử chỉ, lời nói của người lớn có sức ảnh hưởng như thế nào tới con trẻ. Đôi khi, câu cửa miệng của bố mẹ lại vô tình trở thành bàn tay xát muối vào trái tim con và gây cho trẻ những thương tổn nhất định.
1. Con là niềm hy vọng duy nhất của gia đình
Đừng đặt ý nghĩa cuộc sống của người lớn vào việc "bắt trẻ phải hứa". Mặc dù kết quả học tập là quan trọng nhưng đó không phải là điều kiện duy nhất để có được cuộc sống thành công. Một ý chí kiên cường, thái độ lạc quan và tấm lòng nhân hậu, biết đồng cảm là tất cả những điều trẻ không thể thiếu trong tương lai.
Không ít cha mẹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào con khiến cuộc sống của chúng bị nhấn chìm trong trong những tham vọng, sự cầu toàn của người lớn. Vì tham vọng này, cha mẹ đã chẳng hề quan tâm xem con mình thích gì, khả năng thực lực đến đâu. Và khi không thể đáp ứng được kỳ vọng đó, một số em đã tìm đến ý nghĩ tiêu cực, khiến cha mẹ hối hận.
Thay vào đó, có thể nói: "Bố mẹ tin con sẽ làm được, bố mẹ hiểu con mà".
2. Tất cả những việc bố mẹ làm đều vì con
Nhiều trẻ nói rằng chúng thường xuyên phải nghe câu nói này mỗi khi cần quyết định vấn đề quan trọng nào đó. "Lại nữa rồi, nhưng chẳng hiểu bố mẹ nói gì", là trạng thái thường thấy. Khi giáo dục con cái, tránh nói nhưng câu mang tính áp đặt nhưng lại khó hiểu như vậy với trẻ. Đặc biệt ở lứa tuổi mới lớn, trẻ thích sự nổi loạn và mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn.
Trẻ sẽ không hiểu được tấm chân tình hay sự quan tâm của bố mẹ qua câu nói này, mà chỉ thấy mọi ý kiến cá nhân của chúng đều bị bỏ qua.
Thay vào đó, có thể nói: "Bố mẹ hy vọng con có thể đưa ra quyết định có trách nhiệm. Đây chỉ là ý kiến của bố mẹ. Con nêu cân nhắc và đưa ra lựa chọn tốt nhất mà con nghĩ".
3. Nếu trượt đại học, con sẽ chẳng có tương lai
Vào đại học thực sự là điều quan trọng, thậm chí là bước ngoặt cuộc đời. Vì muốn con mình có đủ quyết tâm thi đỗ, các ông bố bà mẹ thường đánh mạnh vào tâm lý để trẻ thấy rằng bản thân bố mẹ rất kỳ vọng, tin tưởng.
Hơn ai hết, cha mẹ đều hiểu thành công trong cuộc sống không bao giờ có thể đánh giá bằng việc có được tấm bằng đại học hay không. Một cánh cửa đóng lại đồng nghĩa với việc một cánh cửa khác sẽ được mở ra. Bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con nếu chẳng may trượt đại học, đừng có suy nghĩ bi quan. Hãy dạy con biết cách ngẩng cao đầu và cảm ơn bài học quý giá ấy, để hiểu thế nào là thất bại và biết bản thân đang ở đâu trong cuộc sống này.
Thay vào đó có thể nói: "Đại học cũng không phải là con đường duy nhất, còn rất nhiều các con đường khác có thể đi".
4. Bố mẹ là người thân, có thể hại con sao?
Trong nhiều quyết định quan trọng của con cái, bố mẹ thường đưa ra quan điểm riêng của mình và chốt "Con cần làm theo lời người lớn". Tuy nhiên, trẻ vị thành niên rất dễ bị kích động và nhạy cảm. Dù ngoài mặt im lặng nhưng trong lòng chúng sẽ không hoàn toàn tán thành lời cha mẹ. Câu nói trên lại càng khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ.
Người lớn không thể sống hộ cuộc sống của con. Nhiệm vụ của bố mẹ là đồng hành giúp con phát triển và có được kinh nghiệm của riêng con từ những thất bại hay thành công.
Thay vào đó có thể nói: "Bố mẹ chỉ có thể góp ý chứ không chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi việc con làm. Con cần phải có chính kiến và suy nghĩ của mình".
5. Sao con không được như con nhà người ta?
Khi một đứa trẻ bị la mắng, chê bai lâu ngày sẽ có xu hướng tin vào những gì mình nghe và hành xử theo niềm tin đó. Bị so sánh với những đứa trẻ khác khiến con vừa đau khổ vừa dần hình thành trong chúng niềm tin luôn thua kém. Từ đó trẻ có xu hướng xa lánh mọi người, sống đơn độc, sợ người khác đánh giá, vì thế trong mọi việc sẽ không cố gắng vì cho rằng có cố gắng cũng không thể thành công.
Thay vào đó có thể nói: "Bố mẹ biết con đã rất cố gắng rồi. Bố mẹ luôn yêu và tự hào về con".
6. Bố mẹ xấu hổ vì con
Nếu trẻ mắc lỗi và đã biết là sai, không cần phải tiếp tục đay nghiến và nhấn mạnh lại các lỗi của trẻ. Bố mẹ cần giúp trẻ giải quyết vấn đề chứ không phải để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực của chính mình.
Nhiều cha mẹ luôn nghĩ con mãi là những em bé chưa lớn, không coi con như những người bạn để cùng lắng nghe con tâm sự, luôn áp chế con, ép buộc con phải làm theo ý mình. Nếu không như ý, sẽ khiến con phải nghe lời càm ràm, lời nặng nề hay sự đe dọa. Thay vì làm như thế, cha mẹ cần bình tĩnh, chọn cách ngồi bên con, nói và giải thích cho con hiểu. Sự việc nào cũng sẽ được tháo gỡ. To tiếng chính là sợi dây nhiều nút thắt chặt lại rắc rối nhiều vòng hơn.
7. Bố mẹ không thể dạy nổi con nữa, phải không?
Đối với trẻ vị thành niên, những thay đổi về cách hành xử, những hành động bột phát có thể khiến cha mẹ khó hiểu và gây ra những mâu thuẫn giữa hai thế hệ. Khi cha mẹ muốn chỉ ra những hành vi sai của con thì nên nói chuyện với trẻ như những người bạn, hãy giải thích về những lo lắng của mình thay vì mắng mỏ hay nói lời cay nghiệt.
Chưa kể, cha mẹ càng nói câu này, trẻ càng thích chống lại. Trong trường hợp này, bố mẹ và con cái trở thành hai đối thủ trong một cuộc chiến. Bố mẹ càng muốn nhấn mạnh uy quyền của mình, trẻ càng muốn phá bỏ ranh giới này và chứng tỏ giá trị của chúng.
Theo Vy Trang (Vnexpress.net)