Mới đây, vụ việc 6 người trong gia đình tử vong thương tâm xảy ra tại ngôi nhà đóng kín cửa ở thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) khiến dư luận bàng hoàng. Theo kết quả điều tra bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là do ngạt khí CO, sản sinh ra trong quá trình vận hành máy phát điện.
Ngoài ra, năm nào Việt Nam cũng ghi nhận những trường hợp tử vong vì đốt than tổ ong trong phòng kín để sưởi ấm. Mặc dù đã được giới chuyên gia, bác sĩ nhiều lần cảnh báo nhưng những cái chết "êm dịu" này vẫn xảy ra.
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Quách Minh Phong, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) chia sẻ, CO (hay còn gọi là carbon monoxide) là khí không màu, không mùi, không vị.
Khí CO rất khó nhận biết bằng cách cảm nhận bình thường nhưng có thể gây ngộ độc, chết người khi hít thở phải ở nồng độ cao kéo dài, đặc biệt là hít phải trong lúc ngủ do không có phản xạ cầu cứu, chạy thoát ra ngoài. Do đó, có thể ví von loại khí này như là "sát thủ thầm lặng".
Đồng quan điểm, VnExpress dẫn lời Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khí CO không màu, không mùi, rất khó phát hiện nên dễ dẫn đến ngộ độc nếu không cẩn thận trong các sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sĩ Hùng, khí độc này thường gây các triệu chứng thần kinh. Ở mức độ nhẹ, việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Mức độ cao hơn nữa là tình trạng khó tập trung, hoa mắt, lờ mờ, lú lẫn. Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.
Ngoài ra, khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, suy gan... Những tác động vào thần kinh và máu khiến người hít phải lượng lớn khí CO có thể ngất đi rồi nhanh chóng tử vong mà không hay biết, y học gọi là cái chết "êm dịu", cái chết "không báo trước".
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. Không đốt lò than, chạy máy phát điện, nổ máy xe... trong môi trường kín, phải có thông gió để tránh nguy cơ bị ngạt. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, cần nhanh chóng mở rộng cửa, đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí, sau đó chuyển nhanh đến bệnh viện điều trị.
Không chỉ tử vong do ngạt khí từ máy phát điện, các bác sĩ còn cho biết không gian trong lòng hố ga, giếng khơi lâu ngày không dùng, hố cũ trong rừng, bồn chứa cặn thực phẩm ở các nhà máy… cũng tích tụ chủ yếu là khí CO2 - nguyên nhân gây ra cái chết "êm dịu".
Nạn nhân không có bất kỳ phản xạ nào như ho sặc, ngột ngạt, khó chịu. Chính điều này nên khi có người khác tiếp tục xuống hố ga, giếng khơi… thì cũng dễ dàng tử vong.
PN (Nguoiduatin.vn)