Trước đây, khi điều kiện sống còn nghèo nàn, yêu cầu duy nhất của mọi người là hàng ngày được ăn no. Tuy nhiên ngày nay điều kiện sống đã được cải thiện, chế độ ăn uống không chỉ cần no mà còn phải đáp ứng đầy đủ về nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe.
Ngay cả trong việc chọn lựa rau xanh cũng không nên tùy tiện. Bên cạnh một số loại rau tươi ngon, có thể cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cho người ăn thì có không ít loại rau đã được người trồng phun thuốc, nhuộm màu để tăng giá thành của sản phẩm.
Do đó, khi đi chợ mua rau, các bà nội trợ thông thái nên từ chối ngay 6 loại rau củ dưới đây vì chúng có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe, ngay cả người bán cũng không dám cho gia đình ăn những loại rau đó.
1. Các loại rau củ bán ế đã bị héo, mốc
Thi thoảng ra chợ, bạn sẽ được người bán mời mua một số loại rau héo, bán ế với giá thành siêu rẻ. Tuy tiết kiệm chi phí nhưng rau bị héo thường không còn ngon và giữ nguyên được dinh dưỡng. Không những vậy, nhiều người bán còn tiết lộ họ không bao giờ dám ăn loại rau này mà chỉ bán cho khách.
Chưa kể đến việc nếu rau bị mốc thì chúng rất có thể chứa nhiều vi khuẩn nấm mốc, đặc biệt là độc tố aflatoxin. Aflatoxin là một loại độc tố có trong các thực phẩm mốc, sản sinh bởi loài nấm mốc tên là Aspergillus. Bên cạnh việc gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính thì aflatoxin còn có thể làm tổn thương trực tiếp đến tế bào gan, gây thoái hóa và hoại tử, gây ung thư gan.
Ngược lại, nếu bạn tiêu thụ rau tươi, an toàn thì lại có thể giảm sự hấp thụ aflatoxin vào cơ thể do rau có chất diệp lục. Do đó, bạn nên từ chối, không nên mua rau héo, mốc.
2. Cà chua xanh, chưa chín kỹ
Cà chua là một loại thực phẩm được nhiều gia đình yêu thích, thậm chí nhiều người còn ăn cà chua trực tiếp như một loại trái cây, có vị chua thanh mát, ngon miệng. Tuy nhiên khi mua cà chua bạn cần lưu ý không nên mua loại còn xanh, chưa chín kỹ vì đây là cà chua chưa trưởng thành, có chứa một lượng solanin nhất định, nếu ăn quá nhiều sẽ gây buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt thậm chí có thể bị ngộ độc.
3. Khoai lang bị hà, khoai tây mọc mầm
Khoai lang khi để lâu trong môi trường không đảm bảo sẽ xuất hiện các hiện tượng đốm đen, mốc, xuất hiện mùi khó chịu, đó là khoai đã bị hà (bị hỏng). Khoai bị hà là do đã bị nhiễm khuẩn vằn đen nhưng nhiều người ham rẻ vẫn mua về ăn. Thực chất, khoai bị hà dù luộc hay nướng cũng sẽ không thể tiêu diệt được độc tố, vì vậy khi ăn vào có thể trúng độc với các biểu hiện như khó thở, buồn nôn, tiêu chảy…, theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam).
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoai tây mọc mầm có chứa độc tố solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể. Ngộ độc khoai tây có thể tránh được một cách dễ dàng bằng nếu lưu trữ đúng cách, ăn sớm ngay sau khi đã mua, gọt vỏ và bỏ mầm xanh. Không nên mua khoai tây đã mềm nhũn, cũ và mọc mầm.
4. Giá đỗ không rễ
Theo Tiến sĩ Li Jun từ Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trường Hải Thượng Hải: Hàm lượng vitamin C của các loại giá đỗ tăng hơn gấp chục lần so với các loại đậu thông thường. Mặc dù giá đỗ rất giàu chất dinh dưỡng nhưng khi trông thấy phần giá đỗ không rễ ở chợ thì dù rẻ mấy bạn cũng không nên mua.
Ngày nay có không ít người bán hàng đã sử dụng hóa chất như ure, thuốc kích thích... để giá đỗ được mập mạp và nhanh lớn hơn. Khi đó, giá đỗ thường mập bất thường, trắng ngần, không có rễ... Những loại hoá chất giúp kích thích giá đỗ có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí gây bệnh ung thư. Theo một người bán rau lâu năm chia sẻ trên tờ Sohu, họ không bao giờ dám mang giá đỗ không rễ về cho gia đình thưởng thức vì không dám chắc về chất lượng, nguồn gốc.
5. Dưa muối chưa chín
Trong vài ngày đầu khi mới muối, hàm lượng nitrit trong dưa sẽ tăng lên, tuy nhiên nó sẽ giảm dần và mất hoàn toàn khi dưa đã chua vàng. Trong khi đó, nitrit khi vào cơ thể, dưới tác động của axit amin sẽ tạo thành hợp chất nitrosamine có nguy cơ gây ung thư cho người.
Do vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng bạn không nên ăn dưa muối xổi, tức là khi nó còn xanh, vị còn cay nồng, mùi hăng. Ngoài ra, không nên ăn quá nhiều dưa muối, mỗi ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50gr dưa muối, và ăn 2 - 3 lần trong tuần.
6. Gừng thối, gừng đã mọc mầm
Theo bác sĩ Bao Zhijun (Bệnh viện Đông Trung Quốc, Đại học Phúc Đán): Gừng thối là một thực phẩm có thể gây hại cho gan bởi chúng có chứa một lượng nhỏ safrole - đây là một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan và ung thư thực quản.
Sau khi gừng bị thối, độc tố safrol sẽ lan ra toàn bộ củ gừng, khiến cho các bộ phận tưởng chừng lành lặn nhưng thực tế đã bị nhiễm độc. Bác sĩ cảnh báo gừng một khi đã hư hỏng thì không nên mua về, nếu trong nhà có gừng hỏng thì tốt nhất nên vứt đi.
Gừng mọc mầm không những không còn giá trị dinh dưỡng gì mà ngược lại nó còn làm giảm giá trị dinh dưỡng của người ăn. Hơn nữa, gừng bị mốc hỏng còn chứa độc tố safrole, loại độc tố có khả năng gây tổn thương và ung thư gan. Vì vậy, khi chọn mua củ gừng bạn nên chọn loại củ có màu sắc tươi sáng, cầm chắc tay, không dập, hỏng mốc để đảm bảo sức khoẻ.
Cách rửa và chế biến rau quả an toàn
- Ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá, gọt vỏ các loại quả ăn tươi. Riêng đối với các loại rau lá nhỏ như xà lách, rau dền, bông cải thì nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá. Đối với các loại rau củ, trái cây, để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ.
- Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3-4 lần) dưới vòi nước để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.
- Nấu chín và mở vung khi nấu cũng là cách tốt để loại trừ phần lớn dư lượng hoá chất thực vật còn sót lại qua đường bay hơi.
PN (Nguoiduatin.vn)