Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, bắt nguồn từ các mô trong phổi. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 20.000 người mắc mới và hơn 17.000 người tử vong do ung thư phổi.
Điều đáng nói, hầu hết số người mắc bệnh đều phát hiện quá muộn và tử vong chỉ sau 6 tháng – 1 năm. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thăm khám tầm soát, đặc biệt ở những người hút thuốc lá có thể giúp phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội sống.
Ai dễ mắc ung thư phổi?
Bất cứ ai cũng có thể mắc ung thư phổi. Tuy nhiên, những người dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
1. Người hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi nhưng nhiều người mắc bệnh ung thư này lại không bao giờ hút thuốc. Chính xác hơn là họ hít phải khói thuốc lá.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi của những người hút thuốc lá cao hơn gấp nhiều lần so với những người không hút thuốc. Bạn hút thuốc càng lâu và hút càng nhiều gói trong ngày, nguy cơ của bạn càng cao. Xin nhấn mạnh, điều này đúng cả với những người hút thuốc lá và người hít khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động.
Tại Hoa Kỳ, hút thuốc lá có liên quan đến khoảng 80% đến 90% các bệnh ung thư phổi. Sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác như xì gà hoặc thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Khói thuốc lá là một hỗn hợp độc hại của hơn 7.000 hóa chất.
2. Người sống trong vùng không khí ô nhiễm
Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn nạn trên toàn cầu. Ở nước ta nói riêng, tình trạng bụi mịn ngày càng trầm trọng ở những khu vực thành phố lớn. Hà Nội trong mùa đông hanh khô càng kéo theo ô nhiễm trầm trọng, bụi mịn gia tăng.
Giới chuyên gia cảnh báo, đây là một trong những vấn nạn chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Đặc biệt người sống trong khu vực ô nhiễm thường xuyên dễ mắc ung thư phổi hơn hẳn những người khác. Đây là điều mà bất cứ ai cũng lo sợ bởi cuộc sống xung quanh ngày càng thiếu sự trong lành do nhiều nguyên nhân.
Nếu bạn thuộc một trong những nhóm sau đây, bạn cần tìm các cách phòng tránh bệnh ngay từ sớm.
3. Người thường xuyên tiếp xúc radon
Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên sinh ra từ sự phân hủy uranium trong đất và đá. Bạn không thể nhìn, nếm hoặc ngửi. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), radon là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi ở nước này và là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
Ngoài trời, có rất ít radon nên không có khả năng gây nguy hiểm. Nhưng trong nhà, radon có thể có rất nhiều. Hít thở nó sẽ khiến phổi của bạn tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
4. Người có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư phổi
Người từng bị ung thư phổi có nguy cơ bị ung thư phổi tái phát. Nguy cơ ung thư phổi của một người cũng có thể cao hơn nếu cha mẹ, anh chị em trong gia đình bị ung thư phổi.
5. Người có tiền sử mắc bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh phổi cơ bản
Đăng tải trên Tạp chí Cancer, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ mật thiết này. Cụ thể, người mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng dễ có nguy cơ mắc ung thư phổi hơn hẳn nhóm người không mắc những bệnh lý này.
6. Người từng xạ trị thời thơ ấu
Những người từng tiếp xúc với bức xạ liều cao có nguy cơ ung thư phổi cao hơn người bình thường.
Các triệu chứng ung thư phổi
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
- Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
- Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
- Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
- Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
- Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
- Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
- Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Phòng ngừa ung thư phổi
- Không hút thuốc lá cũng như tránh hít phải khói thuốc lá.
- Hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm lúc lưu lượng phương tiện cá nhân đang di chuyển đông đúc.
- Không tập thể dục hay làm việc ở những nơi bị ô nhiễm không khí, tránh các hoạt động thể chất đòi hỏi hít thở nhanh và sâu như đạp xe, chạy bộ…
- Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, trên đường đi để làm sạch không khí.
- Nếu nhà ở, nơi làm việc thuộc khu vực có mức độ ô nhiễm bụi mịn cần luôn luôn giữ nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng có tính diệt khuẩn mạnh cũng như khả năng làm sạch bụi bám cực tốt, lau tay bằng khăn ướt, sử dụng máy hút bụi có bộ lọc, máy lọc không khí đúng tiêu chuẩn.
- Hạn chế đun nấu bằng than củi, đốt nhang… nhất là ở khu vực kém thông khí.
- Ăn nhiều thực phẩm rau củ quả, trái cây giàu chất chống oxy hóa để thải độc, bảo vệ sức khỏe do hít bụi mịn từ bên trong cơ thể.
- Đi tầm soát ung thư theo định kỳ để nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời.
PN (Nguoiduatin.vn)