Có thể, nhiều người chưa từng nghĩ tới tuyến tụy, một bộ phận tuyến giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và chuyển đổi nó thành năng lượng. Tuyến tụy nằm giữa dạ dày, gan và ruột, chỉ dài 10-15cm, có hình dạng như con nòng nọc.
Tuyến tụy sản xuất insulin và điều chỉnh hormone của cơ thể, từ đó duy trì độ nồng độ glucose (đường trong máu).
Nhìn chung, ung thư tuyến tụy hiếm khi xảy ra nhưng hiện nay đã có vài người nổi tiếng tử vong vì căn bệnh này như người sáng lập Hãng Apple là Steve Jobs, diễn viên nổi tiếng Patrick Swayze, huyền thoại âm nhạc Italy Luciano Pavarotti, và mới đây nhất là Nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin.
Tiến sĩ Valerie Lee, chuyên gia về ung thư tuyến tụy tại Trung tâm Johns Hopkins Medicine cho biết tuy là không phải là loại ung thư phổ biến, nhưng ung thư tuyến tụy lại là một trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu trên thế giới.
Tại sao? Đầu tiên bởi vì ung thư tuyến tụy rất hung hãn.
"Nó có khả năng lan rộng hoặc di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể", chuyên gia về ung thư Neil Woody, làm việc tại Bệnh viện Cleveland nói. Tỷ lệ bệnh nhân sống sót sau 5 năm chỉ chiếm 8,5%.
Lí do thứ 2 là bởi vì ung thư tuyến tụy đang được phát hiện nhiều hơn. Hơn 10 năm qua, cứ mỗi năm, số lượng người bị bệnh ung thư này tăng lên 5%.
Bác sĩ Lee cho biết con số chưa dừng lại vì căn bệnh này liên quan đến lối sống. Đại dịch béo phì và tiểu đường - 2 yếu tố chính gây nên bệnh ung thư tuyến tụy cũng đang lan rộng khắp thế giới.
Ung thư tuyến tụy khó phát hiện sớm vì có nhiều triệu chứng giống như nhiều căn bệnh mãn tính khác. Nhiều người chỉ phát hiện ung thư tuyến tụy khi căn bệnh này đã di căn đến các cơ quan khác.
Tuy nhiên, bạn cũng nên để ý những cảnh báo từ cơ thể dưới đây.
1. Bệnh tiểu đường
"Những người không có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (tiền sử gia đình, chế độ dinh dưỡng tốt, cân nặng hợp lý) nhưng bỗng dưng mắc bệnh tiểu đường hoặc những người bị tiểu đường vốn được kiểm soát tốt, bỗng nhiên đường huyết tăng cao, chắc chắn là do tuyến tụy gặp vấn đề", bác sĩ Lee nhấn mạnh.
2. Đau bụng
"Tuyến tụy nằm gần trung khu mạch máu và dây thần kinh hay còn gọi là đám rối dương. Khi cơ quan này gặp vấn đề, bạn sẽ bị đau bụng hay đau lưng”, bác sĩ Lee giải thích.
3. Xuất hiện cục máu đông không rõ nguyên nhân
"Bệnh nhân ung thư tuyến tụy dễ bị cục máu đông", bác sĩ Lee nói.
Trong khi nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này chưa được xác định, nhưng người ta tin rằng các tế bào ung thư làm giảm lượng protein trong cơ thể sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông.
"Những người bỗng dưng xuất hiện các cục máu đông không rõ nguyên nhân cần phải thực hiện tầm soát ung thư hoặc tới gặp bác sĩ để kiểm tra tuyến tụy".
4. Tiêu chảy và phân nổi
"Tuyến tụy không chỉ tạo ra insulin, mà còn sản sinh ra các enzyme tuyến tụy giúp phân giải chất béo. Nếu có sự tắc nghẽn trong việc sản xuất các enzyme này, ví dụ như một khối u phát triển trong tuyến tụy, thì các chất béo sẽ không được phân giải", tiến sĩ Lee cho biết.
Đây chính là nguyên nhân cho phân có mùi hôi và trôi nổi trong bồn cầu. Tình trạng này cũng xuất hiện sau khi bạn ăn quá nhiều chất béo trong bữa ăn.
5. Vàng da
Tuyến tụy nằm gần gan, tạo ra mật. Nếu một khối u ngăn cản hoạt động tiết mật của tuyến tụy, lượng bilirubin trong cơ thể không được phân giải tăng cao sẽ gây vàng da.
“Đây là điều thường thấy nhất ở trong mắt, và chất này khiến cơ thể ngứa ngày, phân có màu sáng và nước tiểu sẫm màu”.
6. Giảm cân không rõ nguyên nhân và thay đổi khẩu phần ăn
Nếu bạn cảm thấy ăn không ngon hoặc cảm thấy no sau khi ăn rất ít, đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tụy.
“Tuyến tụy nằm ngay gần ruột non, gần phần đầu ruột non. Khi có một khối u xuất hiện, có thể khiến cho thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn, bị đẩy lại hoặc không đi vào ruột non như trước".
Theo Hoàng Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)